Chiều nay, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam bắt đầu phiên toàn thể với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.
Mở đầu là phần trình bày của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV về động lực tăng trưởng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Vị chuyên gia này cho rằng, từ nay đến năm 2025 và hướng tới 2030, một số động lực chính dự báo sẽ tiếp tục đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường mới nổi phát triển nhanh và bền vững hơn; với sự cộng hưởng của cả những động lực truyền thống và động lực mới.
6 động lực truyền thống
Từ phía cung có 3 động lực. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là một trong những trụ cột của nền kinh tế, tiếp tục tăng trưởng ổn định trong giai đoạn đến 2025 và đến 2030 và đóng góp khoảng 12% GDP hàng năm.
Động lực tăng trưởng từ khu vực công nghiệp được dự báo sẽ duy trì đóng góp tích cực (khoảng 3 - 3,5 điểm %) vào tăng trưởng GDP hàng năm theo kịch bản Việt Nam tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm đến năm 2030.
Khu vực dịch vụ sẽ ngày càng phát triển với chất lượng và hiệu quả cao hơn, đóng góp khoảng 45% GDP hàng năm.
Từ phía cầu cũng có 3 động lực. Động lực đến từ đầu tư, gồm đầu tư công, FDI và đầu tư tư nhân trong nước.
Với định hướng coi phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại là 1 trong 3 đột phá chiến lược, cùng với kỳ vọng giải pháp đột phá trong PPP, dự báo tiếp vốn đầu tư công tục duy trì ở mức 10 - 12 % GDP từ nay đến năm 2030.
Triển vọng đến năm 2025 và đến năm 2030, Việt Nam duy trì tốt nền tảng chính trị, kinh tế ổn định, các chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn, lực lượng lao động dồi dào, khâu đào tạo kỹ năng được chú trọng hơn, chi phí lao động và sinh hoạt ở mức trung bình, hội nhập sâu rộng với 16 FTA và quan tâm tăng trưởng xanh... khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Với những điều kiện thuận lợi trên cũng như để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030, thu hút vốn FDI dự báo tăng 8 - 10%/năm.
Đầu tư tư nhân hiện chiếm khoảng 42% GDP và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Vai trò của khu vực này có thể được phát huy tốt hơn nếu thực hiện một số giải pháp, theo đó có thể đóng góp 45% GDP đến năm 2025 và 50 - 55% đến năm 2030).
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ngày càng cũng cố vai trò quan trọng khi Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới. Tăng trưởng xuất khẩu có thể đạt 7-9%/năm, nhập khẩu hàng hóa 5-7%, thặng dư thương mại tương 4-4,5 % GDP và đóng góp 25-30% vào mức tăng trưởng chung.
Tiêu dùng, triển vọng đến năm 2030, với cơ cấu dân số còn khá trẻ, kinh tế phát triển nhanh, cùng với xu thế hội nhập và giao lưu quốc tế lớn, tầng lớp trung lưu tăng nhanh (10-12%/năm), nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP, ước tăng 7,2-7,4%/năm, tương đương với giai đoạn vừa qua, đóng góp khoảng 48-50% vào tăng trưởng chung.
6 động lực tăng trưởng mới
Theo TS. Cấn Văn Lực, từ năm 2020 đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới biến chuyển nhanh chóng, với hai nguyên nhân lớn nhất là đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraina.
Theo đó, nhu cầu và hành vi đầu tư, tiêu dùng đã thay đổi theo hướng tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe nhiều hơn, nhiều mô hình kinh doanh, xu hướng công nghệ mới phát triển nhanh hơn so với dự đoán. Từ đó, những xu thế vận động mới này có thể trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung - dài hạn.
Xu hướng phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Với việc hoàn thiện hành lang pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu; dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất đến năm 2025 và 2030, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tính hiệu quả và bền vững.
Dự báo, kinh tế số sẽ đóng góp khoảng 25-30% GDP và đóng góp 0,63 - 1,35 điểm % vào mức tăng trưởng GDP hàng năm.
Nâng cao năng suất lao động và TFP (hay gia tăng chất lượng). Năng suất lao động Việt Nam dự báo tăng 4,5 - 5% giai đoạn 2021-2025 (mục tiêu là 6,5%) và tăng 6 - 6,5% giai đoạn 2026 - 2030 (mục tiêu là 6,8 - 7%). Tỷ trọng đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP dự báo đạt 40 - 45% giai đoạn 2021 - 2025 và 50 - 55% giai đoạn 2026 - 2030.
Động lực từ khu vực kinh tế tư nhân - nếu có đột phá về cơ chế, chính sách thì khu vực này có thể đóng góp khoảng 45% GDP đến năm 2025 và 50-55% GDP đến năm 2030.
Động lực từ hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế. Đây có thể đánh giá là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất, bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh – đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Tùy quy mô và chất lượng hoàn thiện thể chế có thể đóng góp 0,05 - 0,27 điểm %/năm vào tăng trưởng GDP.
Động lực từ lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanhđặt mục tiêu đưa nền kinh tế xanhlên quy mô 300 tỷ USD trong GDP vào năm 2050 (xấp xỉ 10% GDP) trong đó, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh đến năm 2025 là 1,8–2% GDP và đến năm 2030 là 3,3–3,5% GDP. Tức là, mức đóng góp của kinh tế xanh vào GDP tăng bình quân khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021-2050.
Động lực từ quyết tâm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (2022), việc nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu sẽ giúp tăng thêm 2-3% GDP của Việt Nam mỗi năm
Củng cố động lực truyền thống
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tác động từ những biến động tiêu cực của kinh tế thế giới đã phần nào làm suy yếu những động lực truyền thống. Để củng cố những động lực truyền thống, cần thực thực 6 nhóm giải pháp.
Tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6.1.2023 và các Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành; chủ động phân tích, dự báo diễn biến các thị trường quốc tế để có kịch bản ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần chú trọng các động lực tăng trưởng hiện hữu. Cụ thể là, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nếu giải ngân được 95% trongtổng vốn 713 nghìn tỷ đồng sẽ đóng góp 2 điểm% vào tăng trưởng GDP năm 2023. Kích cầu tiêu dùng nội địa, tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %. Quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, qua đó thúc đẩy liên kết vùng…
Tiếp tục phối hợp chính sách hiệu quả, đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, xây dựng, bất động sản, lao động…; qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng.
Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng bằng cách: (i) khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do, thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu..; (ii) đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy lùi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy…; (iii) triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến mại, kích cầu thương mại và du lịch trong nước; (iv) điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; (v) quyết liệt tháo gỡ các rào cản lớn với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn và lao động.
Chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhà nước, dự án yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, đầu tư công… nhằm thu hút và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn.
Khai thác động lực mới
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cũng kiến nghị 6 nội dung nhằm phát huy, khai thác những động lực tăng trưởng mới nhằm phát triển nhanh, bền vững, bao trùm.
Đó là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đầu thầu. Quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bao gồm cả cơ chế thử nghiệm (sandbox).
Sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia, sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia như một số quốc gia đã làm.
Thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Theo đó, cần có đánh giá, rà soát việc thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân để có đề xuất cập nhật, điều chỉnh phù hợp bối cảnh mới hiện nay.
"Trung Quốc vừa thành lập Cơ quan hỗ trợ Kinh tế tư nhân với chức năng chính là thiết kế chính sách, phối hợp chính sách và đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khu vực này", ông Lực chia sẻ thông tin.
Thúc đẩy tăng trưởng xanh; chủ động thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Cụthể là sớm ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chương trình/chiến lược thực hiện cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050...
Xây dựng đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp Việt Nam.
Chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; vì đây vừa là tài sản quý giá, vừa là cơ sở ra quyết định, xây dựng cơ chế, chính sách, tổ chức và giám sát thực hiện công khai, minh bạch và hiệu quả hơn.