Đó là kiến nghị của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận qua giám sát việc “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” theo Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 30.8.2022 của HĐND tỉnh về Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tiến độ triển khai còn chậm
Qua giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận ghi nhận việc triển khai thực hiện Dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” thời gian qua đã từng bước thay đổi được cách nghĩ của các thành viên tham gia liên kết chuỗi giá trị; ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân và lực lượng bảo vệ rừng được nâng lên; tỷ lệ độ che phủ rừng, trữ lượng, chất lượng rừng cải thiện đáng kể; năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng vật nuôi ngày càng cao; tạo việc làm, thu nhập ổn định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo qua từng năm.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình một số địa phương còn chậm. Cụ thể, nội dung về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại thời điểm giám sát UBND huyện Bác Ái đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án Đầu tư xây dựng Vùng trồng dược liệu quý tại Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 16.10.2024 theo quy định; tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn giao còn thấp, ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn trong thời gian còn lại của giai đoạn.
Nhu cầu về giống cây trồng, vật nuôi của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu là những giống cây, con truyền thống; thói quen và tập tục canh tác có chuyển biến nhưng chưa thay đổi nhiều, khó triển khai áp dụng các mô hình tiên tiến để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Đối tượng nhận hỗ trợ chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nên việc lựa chọn mô hình phù hợp còn gặp khó khăn. Việc huy động nguồn lực để thực hiện Chương trình mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song vẫn còn hạn chế; một số địa phương chưa chủ động cân đối vốn đối ứng để thực hiện.
Chủ động,chịu trách nhiệm đối với kết quả thực hiện
Nguyên nhân được xác định do công tác ban hành các văn bản tổ chức thực hiện Chương trình nói chung, các nội dung Dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” nói riêng từ Trung ương đến địa phương chưa đồng bộ, kịp thời. Ở Trung ương, đến tháng 8.2023, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình mới được cơ quan chủ chương trình, chủ dự án thành phần và một số cơ quan liên quan mới ban hành, sửa đổi, bổ sung để triển khai thực hiện dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình.
Dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” được tích hợp từ nhiều chương trình, dự án chính sách dành cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hệ thống văn bản hướng dẫn về cơ chế thực hiện liên quan nhiều sở, ngành; nhiều nội dung chưa rõ, nhất là đối tượng, định mức chi, quy trình thực hiện, trình tự thủ tục thanh toán, quyết toán... Do đó, quá trình tiếp cận, nghiên cứu, triển khai thực hiện của cán bộ, công chức triển khai thực hiện còn khó khăn.
Từ thực tế trên, để triển khai thực hiện hiệu quả Dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ, ngành trung ương hàng năm quan tâm, sớm phân bổ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương để tỉnh chủ động, triển khai thực hiện tiểu dự án ngay từ đầu năm, nhằm bảo đảm giải ngân kịp thời nguồn vốn theo quy định.
Ban kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, sửa đổi Điều 17 Thông tư số 12/2022/TT-BNNPTNT ngày 20.9.2022 để địa phương có thể thực hiện giao khoán diện tích rừng đặc dụng và trợ cấp gạo cho hộ gia đình bảo vệ rừng trên diện tích này thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3. Xem xét, điều chỉnh quy định về việc giao lại cho chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu kết quả thực hiện bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung, trồng rừng sản xuất, phòng hộ theo khoản 1, Điều 10 Thông tư số 15/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn một số nội dung quản lý đầu tư công trình lâm sinh, để các chủ đầu tư chủ động trong quá trình triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm đối với kết quả thực hiện sau khi kết thúc giai đoạn đầu tư.
Đối với UBND tỉnh, chỉ đạo UBND các huyện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, nhất là nguồn vốn sự nghiệp; thực hiện nghiêm túc về nguồn vốn đối ứng của Chương trình theo quy định; chấp hành chế độ thông tin, báo cáo chất lượng bảo đảm theo quy định. Chỉ đạo UBND các huyện tăng cường chủ động trong triển khai thực hiện Chương trình trên địa bàn; tập trung rà soát, ban hành các văn bản liên quan đến điều hành, thực hiện và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình ở địa phương; kịp thời phát hiện vướng mắc để giải quyết dứt điểm và báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xem xét hướng dẫn, giải quyết đối với các vấn đề vượt thẩm quyền.