Sớm hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn

Hải Thanh 19/06/2020 09:51

Nhằm khắc phục tình trạng các bãi chứa tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện than sắp không thể có chỗ chứa, câu chuyện “không nên coi tro xỉ than nhiệt điện là chất thải nguy hại, mà nên coi là nguyên liệu đầu vào đáng quý, cung cấp sản phẩm vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp, dân sinh khác” đã được cơ quan chức năng đặt ra. Tuy vậy, theo các nhà khoa học cho biết, có nhiều bằng chứng cho thấy các thành phần của tro xỉ từ nhiệt điện than gây nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Sắp không còn chỗ chứa tro xỉ

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh GreenID Trần Đình Sính: Hiện Việt Nam có hơn 18.000MW điện than đang hoạt động, mỗi năm thải ra 16 - 17 triệu tấn tro và xỉ. Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì đến năm 2030 Việt Nam sẽ tồn dư khoảng 422 triệu tấn và cứ mỗi năm lại thêm khoảng 32 triệu tấn nữa. Để dễ hình dung, nếu bình quân bãi tro xỉ đắp cao khoảng 5m thì Việt Nam sẽ mất khoảng 65km² để chứa tro xỉ (gần bằng diện tích thành phố Huế là 70km²) và mỗi năm thêm 5km², bằng diện tích của 1 xã đồng bằng Bắc Bộ. Hiện ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân, chỉ trong khoảng 2 năm nữa là không còn chỗ chứa tro xỉ.

Trung bình mỗi năm gia tăng thêm 5km2 bãi chứa tro xỉ nhiệt điện Nguồn: ITN
Trung bình mỗi năm gia tăng thêm 5km2 bãi chứa tro xỉ nhiệt điện

Nguồn: ITN

Điều đáng nói, theo quy định tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 23.9.2014, về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón đề làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; Quyết định số 452/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 12.4.2017, về phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng yêu cầu: các bãi chứa tro xỉ chỉ được phép chứa dung tích tro xỉ tương đương lượng xỉ thải trong 2 năm; khi quy hoạch hoặc thiết kế các nhà máy điện than thì phải thiết kế dây chuyền để xử lý tro xỉ đạt chuẩn… nhưng đến nay hầu hết nhà máy nhiệt điện chưa thực hiện cũng như tuân thủ được quy định trên, phần lớn theo dây chuyền xử lý cũ. Theo đó, thành phần trong tro xỉ phụ thuộc vào nguồn than, công nghệ đốt mỗi nhà máy khác nhau… nên mức độc hại khác nhau.

Các nghiên cứu thế giới cho rằng, các chất độc hại trong tro xỉ có nhiều các chất thuộc 5 nhóm trong đó có kim loại nặng (thủy ngân, asen, cadmi...), furan, dioxin, thậm chí có cả phóng xạ. Đối với tro xỉ của Việt Nam, đã từng có nghiên cứu cho rằng, than ở Quảng Ninh lượng chứa thủy ngân là 0,464mg/kg. Năm 2030 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, chúng ta sẽ sử dụng 129 triệu tấn than/năm, nhập 2/3 than từ bên ngoài, trong nước sẽ sử dụng khoảng 45 triệu tấn. Ước tính lượng thủy ngân trong than đó, nếu đã loại đi được 65% rồi thì nó sẽ xả ra vào không khí khoảng 6,8 tấn/năm. Đó là chưa kể, trong than, ngoài thủy ngân còn có chứa cả chất phóng xạ, ví dụ như than ở mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam) có chứa  phóng xạ. Vì vậy, ở một số nơi người dân lo lắng, không cho sử dụng tro xỉ than để san lấp, đổ nền móng công trình xây dựng… là có cơ sở.

Để không gây hệ lụy về môi trường, sức khỏe

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững (LPSD) Đặng Đình Bách: Có rất nhiều bằng chứng khoa học trong nước và quốc tế khẳng định các thành phần của tro xỉ nguy hại với sức khỏe con người và môi trường, đặc biệt nó chứa thủy ngân và các chất độc hại khác. Cũng vì lý do này tại Thông tư số 36/2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa tro xỉ nhiệt điện than vào danh mục các chất thải nguy hại.

Không đánh đổi môi trường để tăng trưởng là quan điểm được Đảng, Nhà nước nhấn mạnh trong nhiều văn bản chỉ đạo thời gian qua. Do vậy, theo các chuyên gia mỗi giải pháp đưa ra để góp phần thúc đẩy sử dụng tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện cần được đánh giá kỹ càng, lắng nghe ý kiến từ các bên liên quan, tránh quyết định vội vàng, có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường sống của người dân.

Tuy nhiên, Việt Nam lại chưa có văn bản có quy định pháp luật xử lý tro xỉ của nhiệt điện nên tình trạng các bãi chứa tro xỉ ngày càng đầy lên, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sức khỏe người dân xung quanh khu vực bãi chứa tro xỉ than bởi nó là tác nhân gây ra bụi mịn. Không phải ngẫu nhiên mà nhà máy nhiệt điện than Mông Dương, Quảng Ninh bị nghi ngờ là thủ phạm gây bụi mịn dày đặc ở Tiên Yên; hay thời gian qua người dân ở Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã phản đối việc sử dụng tro xỉ than của nhà máy nhiệt điện để san lấp sân vận động.

Chuyên gia lĩnh vực môi trường và sức khỏe TS. Nguyễn Văn Liêm cũng cho rằng: Tro xỉ của nhà máy nhiệt điện than cần được quản lý vì chứa nhiều thành phần hóa học, đặc biệt là tro xỉ ở những vùng như Nông Sơn (Quảng Nam) hay vùng than Quảng Ninh có chứa chất phóng xạ và chất thủy ngân, đều là những chất độc hại với sức khỏe con người cũng môi trường. Vì vậy, để quản lý được tro xỉ của nhiệt điện than một cách bền vững, cần có đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của đầu vào của từng loại sản phẩm than, từ đó xác định biện pháp quản lý, sử dụng tro xỉ.

Một số chuyên gia khác cũng cho rằng, việc giải quyết tro xỉ là vấn đề cấp bách, không những đối với người dân, mà còn cả cơ quan chức năng. Để tro xỉ than là một nguồn nguyên liệu đầu vào, cung cấp cho ngành dân sinh khác thì tro xỉ phải được xử lý theo dây chuyền kỹ thuật bảo đảm đúng như tinh thần của Quyết định 1696 và Quyết định 452 của Thủ tướng Chính phủ. Về lâu dài, để không gây hệ lụy về môi trường cũng như ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân, cần sớm xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của tro, xỉ, thạch cao... Từ đó, loại nào đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thì sử dụng làm nguyên vật liệu xây dựng; loại nào độc hại thì phải có quy trình xử lý bảo đảm an toàn môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.

 Hải Thanh 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sớm hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO