Sớm hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công

- Thứ Năm, 26/11/2020, 19:20 - Chia sẻ
Trong giai đoạn 2020 – 2025, ngành xây dựng “phải coi việc phát triển nhà ở cho người dân là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, trong đó cần hoàn thành sớm và dứt điểm việc hỗ trợ nhà ở cho người có công”. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước ngành xây dựng lần thứ V diễn ra chiều 26.11.

Gần 7.300 tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng

Báo cáo kết quả phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn 2015 – 2020 của Bộ Xây dựng cho biết, trong 5 năm qua, ngành xây dựng đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo, phát động, tổ chức nhiều phong trào thi đua yêu nước với các hình thức, nội dung phong phú, thiết thực.

Cụ thể, ngành hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động như “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”... Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị trong ngành phát động 2.411 chiến dịch, đợt thi đua trên các lĩnh vực công tác, với các phong trào thi đua như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Bảo đảm nâng cao chất lượng công trình xây dựng”... Các phong trào đã tạo khí thế thi đua sôi nổi và rộng khắp trong mọi lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Đơn cử, đối với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tính đến thời điểm hiện tại, có 99,7% số xã trên cả nước đã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Nhiều địa phương đã tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, triển khai rà soát, công tác lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc đảm bảo đến hết năm 2020 có 100% số xã hoàn thành tiêu chí quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại Đại hội  

Riêng với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” - phong trào trọng tâm, toàn diện và nổi bật nhất của ngành xây dựng, trên mỗi lĩnh vực đều hướng tới việc xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình mới, tiêu biểu, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn 2015 - 2020 đã có 8.356 sáng kiến, 568 đề tài được ứng dụng trong thực tiễn, làm lợi cho đơn vị trên 1.700 tỷ đồng, tiết kiệm 90.000 tỷ đồng. Các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động xây dựng đã tiếp cận nhanh với công nghệ xây dựng mới, trang bị thêm nhiều thiết bị hiện đại, từng bước đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, tư vấn, thi công xây dựng những công trình quy mô lớn, hiện đại…

Song song với đó, ngành xây dựng cũng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, bảo đảm tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Chất lượng thẩm định hồ sơ khen thưởng được nâng lên rõ rệt, bảo đảm tính công khai, chính xác. Việc khen thưởng bảo đảm đúng người, đúng việc. Tính chung trong cả giai đoạn, có 7.260 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến được các cấp biểu dương, khen thưởng.

Với những kết quả đạt được trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã thực sự trở thành động lực to lớn để ngành xây dựng hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục khẳng định vai trò của một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý thi đua

Trong giai đoạn 2020 – 2025, ngành xây dựng xác định chủ đề phong trào thi đua yêu nước là “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, trách nhiệm và phát triển bền vững”. Để hiện thực hóa, ngành sẽ tập trung vào các giải pháp chủ yếu là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và thi đua, khen thưởng nói riêng; tiếp tục hưởng ứng các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế về công tác thi đua, khen thưởng; thường xuyên, liên tục tổ chức, phát động các phong trào thi đua yêu nước bám sát các chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, ngành sẽ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý thi đua, khen thưởng. Nghiên cứu, triển khai phần mềm quản lý thi đua, khen thưởng theo chỉ đạo của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.

Toàn cảnh Đại hội  

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chỉ rõ: Trong quá trình xây dựng và phát triển, ngành xây dựng đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, luôn giữ vững và khẳng định được vị trí, vai trò là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2020, ngành đã đạt được những thành tích nổi bật, như: Tốc độ tăng trưởng ngành ở mức khá cao (trung bình 8,3 - 8,7%/năm). Hệ thống đô thị phát triển nhanh, diện mạo đô thị đã có nhiều
thay đổi, chất lượng và đô thị hóa ngày càng tăng. Các doanh nghiệp trong ngành sau khi tái cơ cấu, cổ phần hóa, từng bước ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động. Năng suất lao động bình quân tăng khoảng 8%/năm. Nhiều doanh nghiệp đủ năng lực đảm nhiệm việc thiết kế, thi công các công trình quy mô lớn, phức tạp ngang tầm khu vực...

Trong giai đoạn tới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới; biến đổi khí hậu; đại dịch Covid-19 đang đặt ra nhiều thách thức mới cho ngành xây dựng, Phó Chủ tịch nước gợi ý và đề nghị ngành cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng, về quy hoạch và kiến trúc; phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, tiếp cận và làm chủ khoa học, công nghệ - kỹ thuật; gắn kết tiến trình đô thị hóa với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

 Bên cạnh đó, phải coi việc phát triển nhà ở cho người dân là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, trong đó cần hoàn thành sớm và dứt điểm việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, Phó Chủ tịch nước yêu cầu.

Đan Thanh