Sớm hành động để trở thành Thành phố Sáng tạo

- Thứ Hai, 29/11/2021, 05:48 - Chia sẻ
Tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn hơn cho Hà Nội. Giờ là lúc Thủ đô cần nhanh chóng hành động để thực sự trở thành Thành phố Sáng tạo.
Hà Nội cần hỗ trợ phát triển hơn nữa các không gian sáng tạo
Ảnh: nhandan.vn

Không sớm hành động, sẽ bị loại khỏi cuộc chơi

Chia sẻ tại hội thảo “Thiết kế sáng tạo từ nguồn lực văn hóa Thủ đô” do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì tổ chức sáng 28.11, nhiều ý kến nhận định, Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) là lúc cả cơ hội và thách thức ập đến.

Hà Nội có tài nguyên văn hóa dồi dào, có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa và thiết kế sáng tạo là lĩnh vực kết nối những tiềm năng, lợi thế trên. Hà Nội đang cố gắng thực hiện các cam kết với UCCN, dựa vào các đặc trưng văn hóa, con người của Thủ đô. Qua rà soát cho thấy, Hà Nội đã có các chính sách như: Bảo tồn các làng nghề; bảo tồn di sản hướng theo các mục tiêu phát triển bền vững; Đề án Đô thị thông minh; Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, cho rằng, để thiết kế sáng tạo kết nối được tiềm năng, lợi thế của Hà Nội, đòi hỏi sự đồng lòng, có chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn giữa chính quyền thành phố và các chủ thể. "Nhưng Hà Nội hiện chưa làm được”. 

Nguyên nhân được chỉ ra là thành phố còn lúng túng, chưa tìm ra được “chìa khóa” thực sự, tạo đột phá về phát triển công nghiệp văn hóa; thiếu kết nối trong vận hành sáng kiến địa phương và quốc tế; Thành phố Sáng tạo vẫn là khái niệm mơ hồ với đa số công dân Hà Nội; chậm nghiên cứu, đánh giá thực trạng phát triển các ngành sáng tạo để kịp thời đưa ra định hướng cụ thể...

Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê lấy ví dụ từ Thừa Thiên Huế - nơi một năm qua đã triển khai một loạt chương trình nhằm phát triển công nghiệp sáng tạo, như thành lập Trung tâm sáng tạo, Trung tâm Hỗ trợ công nghiệp điện ảnh, chuẩn bị khai trương phố đi bộ như không gian sáng tạo, văn hóa lớn...

"Trong khi đó, chúng tôi đề xuất Hà Nội xây dựng Trung tâm sáng tạo nhưng 2 năm nay chưa nhìn thấy. Hà Nội đang quá chậm, từ lúc được ghi danh đến nay mọi sáng kiến dường như vẫn giậm chân tại chỗ. Chúng tôi rất sốt ruột, bởi nếu không làm được, chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi của Thành phố Sáng tạo”.

Quyết liệt thực hiện cam kết
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, đã đến lúc Hà Nội cần triển khai quyết liệt chương trình hành động đã cam kết với UCCN. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, khoa học - công nghệ cho các ngành văn hóa sáng tạo; kết nối giữa truyền thống và hiện đại trong sản phẩm công nghiệp văn hóa; có cơ chế tài chính thu hút vốn cho công nghiệp văn hóa; hình thành hệ sinh thái thúc đẩy sáng tạo...

Còn theo ông Lê Quốc Vinh, Hà Nội đang thiếu những công trình, dự án mang tầm vóc của thành phố. Thủ đô phải có Trung tâm sáng tạo, nơi trưng bày, làm sản phẩm mẫu, nơi để doanh nghiệp chia sẻ, hợp tác, giới thiệu sản phẩm sáng tạo, tìm kiếm khách hàng; có các hoạt động giải trí, có tiện ích nền tảng công nghệ để mọi người sử dụng. Không có Thành phố Sáng tạo nào không có megashow, nhưng đây cũng là điều Hà Nội đang thiếu.

“Từng có thời gian kêu gọi đầu tư vào văn hóa sáng tạo ở Hà Nội, nhưng mọi người đều thờ ơ. Trong khi đó, các chương trình, sự kiện triển lãm lớn đều phải tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh. Hà Nội cũng không có nhà hát nào xứng tầm với các sản phẩm hấp dẫn, thu hút du khách. Trong khi khối tư nhân có nhiều ý tưởng, chương trình nghệ thuật hấp dẫn nhưng không có nơi biểu diễn...” - ông Lê Quốc Vinh nói.

Hợp tác công - tư là một giải pháp thúc đẩy sáng tạo, công nghiệp văn hóa. Chính quyền Hà Nội cần quy hoạch rõ các công trình, định hướng cụ thể sản phẩm văn hóa, để nhà đầu tư kỳ vọng, thấy cơ hội của họ. Mặt khác, khuyến khích, hướng dẫn nhà đầu tư đi đúng hướng, phù hợp với pháp luật, lợi ích của thành phố; sẵn sàng đón nhận các ý tưởng đột phá, bởi giá trị của công nghiệp văn hóa chính là nằm ở sự sáng tạo. 

Hà Nội đang dẫn đầu với 95/174 không gian sáng tạo trên cả nước, song các không gian này hầu hết có quy mô nhỏ, năng lực yếu. Thành phố cần hỗ trợ phát triển, đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ này, bởi không gian văn hóa sáng tạo là hệ sinh thái thu nhỏ, thể hiện toàn bộ hoạt động nền kinh tế sáng tạo... 

“Để Hà Nội thực sự là Thành phố Sáng tạo, thành phố cần thúc đẩy liên kết đa ngành trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Đặc biệt, đây là thời điểm Hà Nội cần có những hành động cụ thể và táo bạo, bởi bên ngoài thế giới đang đi rất nhanh” - nhà nghiên cứu Trương Uyên Ly góp ý.

Thảo Nguyên