Nhiều địa phương thiệt hại nặng nề
Quảng Ninh là một trong những địa phương nằm trong tâm bão số 3. Bão đổ bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 - 13 (118 - 149km/giờ), giật cấp 16, gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Bão đã làm ít nhất 3 người chết, 58 người bị thương. Tại thành phố Hạ Long, hàng loạt cây xanh ở các tuyến phố bị gãy, đổ, bật gốc; tuyến Quốc lộ 18A, các cây xanh bị đổ hàng loạt. Nhiều nhà dân bị tốc mái, hàng quán, cửa hàng lớn bị sập, tốc mái. Các tấm tôn bị gió cuốn bay khắp nơi. Nhiều tòa chung cư bị rơi vỡ cửa, tấm kính. Bên cạnh đó, hệ thống điện cũng bị tê liệt, nhiều cột điện gãy, đổ gây mất điện toàn tỉnh.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, bão số 3 đổ bộ đã khiến gãy đổ cây xanh, đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu, biển báo, đường dây thông tin, ngập nước gây ách tắc nghiêm trọng; hoạt động giao thông bị đình trệ, gián đoạn. Nhiều khu vực bị cắt điện để bảo đảm an toàn hoặc do sự cố đường dây. Nhiều nhà dân, trụ sở cơ quan, cơ sở doanh nghiệp, kho tàng, xưởng sản xuất, trang trại chăn nuôi bị hư hại, tốc mái, cột điện bị gãy đổ... Không chỉ vậy, nhiều diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, cây cảnh bị gãy đổ, hư hại (Khoảng 5.000ha diện tích lúa đang trổ bông bị hư hại; 1.750ha rau màu, 1.000ha cây ăn quả bị ảnh hưởng nặng)...
Tại Nam Định - một trong những địa phương chịu ảnh hưởng bão số 3, mặc dù không ghi nhận thiệt hại về người, song nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Cụ thể, có khoảng 5.000ha lúa, 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu, 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có 2 công trình nhà văn hóa bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc.
Tại Thái Bình, ước tính thiệt hại ban đầu về sản xuất nông nghiệp, có 28.000ha lúa bị thiệt hại từ 30 - 70%; 27.000ha bị thiệt hại trên 70%. Về rau màu vụ Đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch, có 585ha bị ảnh hưởng từ 30 - 70%; 2.760ha bị ảnh hưởng trên 70%. Cây ăn quả có 1.215ha bị ảnh hưởng từ 30 - 70%; 170ha bị ảnh hưởng trên 70%. Diện tích lúa đổ bị úng ngập là 18.000ha. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tại Hải Dương, bão số 3 cũng gây thiệt hại nặng về sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, công trình giao thông, hệ thống công trình điện, viễn thông. Cụ thể, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha lúa bị đổ, khoảng 1.200ha cây rau màu bị dập nát, hơn 600ha cây ăn quả bị gãy, đổ. Nhiều mái nhà tôn, mái fibro xi-măng, cửa kính bị sập, tốc, hư hỏng; nhiều biển quảng cáo, cây bóng mát bị đổ, gãy, gây ách tắc giao thông… Toàn tỉnh có 26 cột điện bị gãy, đổ, gây mất điện diện rộng. Cùng với đó, tỉnh cũng ghi nhận có người bị thương và người chết do bão.
Tại tỉnh Thanh Hóa, mưa gió lốc làm 133 căn nhà ở các huyện miền núi bị thiệt hại, trong đó, huyện Bá Thước có 3 nhà, Cẩm Thuỷ 1 nhà, Mường Lát có 72 nhà, Quan Hóa 50 nhà, Lang Chánh 6 nhà, Thường Xuân 1 nhà. Về thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, tại các huyện Bá Thước, Hoằng Hóa, Lang Chánh, Thường Xuân có hơn 274ha lúa mùa bị gãy, đổ; 8,1ha ao cá bị vỡ bờ...
Đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Ngay sau bão, các địa phương bị ảnh hưởng bão số 3 đã tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; tổ chức thu dọn cây xanh, biển hiệu bị đổ gãy; các công trình bị đổ sập; khôi phục mạng lưới cấp điện và viễn thông... nhằm sớm ổn định đời sống.
Cụ thể, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị, UBND các cấp huy động mọi nguồn lực, phương tiện khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả của bão số 3. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh yêu cầu Thành ủy, UBND thành phố Nam Định tiếp tục tập trung nhân lực, thiết bị tại chỗ để khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3: nhanh chóng cắt tỉa, thu dọn các cây xanh, cột điện bị gãy đổ để giải tỏa giao thông trên các tuyến đường, phố; bố trí lực lượng thường trực để xử lý tình trạng ngập úng cục bộ tại các khu vực trọng điểm; chú trọng công tác vệ sinh môi trường; bố trí lực lượng và chỉ đạo các xã, phường huy động cán bộ, Nhân dân tham gia dọn dẹp, khắc phục hậu quả bão số 3; tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết sau bão số 3, nhất là tình hình mưa lớn kéo dài để kịp thời có biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp; quan tâm làm tốt việc dọn cây xanh gãy, đổ, vệ sinh, xử lý môi trường để người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Tại Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu yêu cầu toàn tỉnh tập trung cao độ để khắc phục hậu quả sau bão số 3, đồng hành, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp quay trở lại cuộc sống thường nhật sớm nhất. Bên cạnh đó, tập trung khắc phục sự cố, thiệt hại tại các trường học, có kế hoạch điều chỉnh lịch học trong trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh khi đến trường. Quan tâm tới người bị ảnh hưởng bởi bão, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế bị ảnh hưởng từ cơn bão, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Tại Hải Phòng, để nhanh chóng khắc phục sự cố do siêu bão gây ra, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu đề nghị UBND thành phố chỉ đạo chung, khắc phục sự cố về viễn thông, giao thông, điện, nước, vệ sinh môi trường… để bảo đảm sinh hoạt cho người dân. Trong đó, tập trung chỉ đạo khắc phục sự cố viễn thông trong thời gian sớm nhất. Ngành điện phải bảo đảm hoạt động sản xuất bình thường của các doanh nghiệp, nhất là các khu, cụm công nghiệp; khắc phục ngay sự cố cây xanh, chặt tỉa, thu gom cành cây gãy đổ, trồng lại các gốc cây bảo đảm yêu cầu; sớm bảo đảm giao thông thông suốt toàn thành phố.