Sớm đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu
Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, qua đó tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của đại diện doanh nghiệp, việc thực hiện điện tử vẫn mang tính “nửa vời”.
Có việc “Làm điện tử còn lâu hơn làm giấy”
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu ô tô, thường xuyên phải thực hiện thủ tục thuế và hải quan, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Carmax Nguyễn Hữu Dung cho rằng, “chưa khi nào hoạt động này lại dễ dàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như khoảng 3 năm trở lại đây”. Theo đó, toàn bộ thủ tục khai báo hải quan và thuế đều đã được thực hiện thông qua hệ thống điện tử, giúp giảm thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp.
Minh chứng cho điều này, ông Dung nhớ lại: “Trước đây, mỗi khi có lô hàng nhập về cảng Hải Phòng, công ty phải cử nhân viên xuống làm tờ khai với cơ quan hải quan địa phương. Sau đó, cơ quan hải quan sẽ kiểm tra chứng từ hợp lệ, nếu thiếu, nhân viên phải quay về Hà Nội bổ sung. Chỉ khi các thủ tục bảo đảm đúng theo quy định, cơ quan hải quan sẽ bố trí kiểm tra hàng hóa. Thông thường, quy trình này sẽ mất khoảng 2 - 3 ngày. Vậy nhưng từ khi ngành thuế và hải quan thực hiện thủ tục hành chính trên hệ thống điện tử, toàn bộ các khâu này rút lại chỉ trong một ngày. Chưa kể, việc bớt tiếp xúc trực tiếp với cán bộ thuế, hải quan cũng khiến doanh nghiệp không còn phải chịu cảnh bị nhũng nhiễu, gây khó dễ”.
![]() Doanh nghiệp phàn nàn vẫn phải nộp hồ sơ sửa đổi đăng ký kinh doanh vừa bằng giấy vừa bằng điện tử |
Nguồn: ITN |
Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Vũ Trí Nguyễn Đắc Tình cũng tỏ ra hồ hởi khi hơn 2 năm nay, toàn bộ thủ tục liên quan đến thuế được doanh nghiệp này thực hiện qua hệ thống điện tử. Nhờ vậy, “chúng tôi có thể biết được ngay là hồ sơ của mình còn thiếu cái g ìvà tự bổ sung, sau đó gửi cho cơ quan thuế thay vì phải đi lại nhiều lần. Bảo hiểm xã hội cũng vậy. Về cơ bản, hệ thống hoạt động đã trơn tru. Khá lâu rồi, chúng tôi không còn lo hệ thống bị “nghẽn” khiến doanh nghiệp chậm nộp thủ tục quá hạn và bị xử phạt nữa”, ông nói.
Trên thực tế, không riêng ngành thuế và hải quan mà nhiều bộ, ngành đều đã ứng dụng điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá, nhiều lĩnh vực, thủ tục vẫn đang trong cảnh “điện tử nửa vời”.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ nông nghiệp An Đô Trịnh Tú Anh phản ánh, tháng 11.2018, doanh nghiệp này đã thực hiện thay đổi đăng ký kinh doanh qua mạng, nhưng thực tế vẫn phải mang hồ sơ giấy đi nộp. Hay đối với thủ tục hoàn thuế, dù doanh nghiệp đã đưa hết hồ sơ lên Cổng thông tin điện tử nhưng vẫn phải nộp giấy. Đặc biệt, “làm đơn xin hoàn thuế xong, có nơi còn yêu cầu chúng tôi phải làm đơn xin cơ quan chức năng phân công người phụ trách giải quyết việc này cho doanh nghiệp. Rất nhiêu khê!”, bà cho biết.
Tình trạng vừa nộp bản giấy vừa nộp thủ tục qua hệ thống điện tử không chỉ riêng trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và hoàn thuế. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra, tính đến tháng 9.2018, mới có 68 thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong số hàng ngàn thủ tục được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất một thủ tục (khai báo hóa chất) được thực hiện điện tử hoàn toàn. “Như vậy, mức độ cải cách rất chậm”, báo cáo chỉ rõ.
“Đúng là hiện nay vẫn còn tình trạng “điện tử nửa vời”, Thành viên Tổ công tác của Thủ tướng thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư Lê Xuân Hiền thừa nhận. Ông lấy dẫn chứng, theo quy định Nghị định 78/2015 và Nghị định 108/2018 sửa đổi về đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh mới hay sửa đổi đều phải thực hiện thông qua hệ thống điện tử và nộp hồ sơ giấy. Nguyên nhân bởi hiện nay chưa đồng bộ toàn bộ cơ sở dữ liệu quốc gia. “Hiện có xu hướng làm điện tử còn lâu hơn làm giấy vì doanh nghiệp phải qua hai vòng, vừa làm điện tử vừa làm giấy, trong khi nếu chỉ làm bằng giấy thì doanh nghiệp chỉ cần làm hồ sơ xong rồi đem nộp”, ông Hiền nói.
Nên cho phép doanh nghiệp scan giấy tờ
Thực tế, không thể phủ nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, qua đó tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Nỗ lực này cũng đã được quốc tế ghi nhận. Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc về Chỉ số Chính phủ điện tử 2018, Việt Nam xếp hạng 88/193 nước, tăng 1 bậc so với năm 2016. Đáng chú ý, Việt Nam được xếp vào nhóm có chỉ số Dịch vụ công trực tuyến OSI và Chỉ số tham gia điện tử ở mức cao (tăng từ 0,5 - 0,75 điểm). Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia - bước cơ bản cho quá trình chuyển đổi số, là tiền đề hình thành một Chính phủ không giấy tờ, nâng cao hiệu suất công việc và tiết kiệm chi phí cho xã hội. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử…
Tuy nhiên, để thực hiện Chính phủ điện tử mang tính thực chất, giảm tình trạng “điện tử nửa vời”, các chuyên gia cho rằng, nguyên tắc cơ bản là chia sẻ thông tin, dữ liệu và vận hành trên một nền tảng tích hợp. Do đó, Chính phủ cần có quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ thông tin cá nhân, lưu trữ điện tử, văn bản điện tử, các quy định về chuẩn hóa thông tin… Chính phủ điện tử cần được xây dựng theo hướng đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Phải thực hiện định danh điện tử, coi dữ liệu là tài sản quan trọng khi phát triển hệ thống và bảo đảm các dữ liệu phải được quản lý, thường xuyên kiểm tra và dễ dàng tập hợp thành thông tin hỗ trợ điều hành; hoàn thiện hệ sinh thái Chính phủ điện tử.
Ông Lê Xuân Hiền bổ sung, bên cạnh việc sớm đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu, hoàn thiện môi trường pháp lý liên quan Chính phủ điện tử, cần cho phép doanh nghiệp được scan (quét) giấy tờ để nộp cho cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh thay vì phải nộp hồ sơ giấy như hiện nay. Thêm vào đó, cần học tập kinh nghiệm của quốc tế để áp dụng phù hợp với tình hình của Việt Nam, qua đó mới mong thực hiện điện tử hoàn toàn.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ nông nghiệp An Đô Trịnh Tú Anh kiến nghị, để bảo đảm các thủ tục điện tử hoàn toàn, tránh nửa vời, Chính phủ cần tiếp xúc, đối thoại nhiều hơn với doanh nghiệp, qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn, trong đó có liên quan thủ tục hành chính để có giải pháp tháo gỡ. “Chúng tôi rất mong Chính phủ sẽ quyết liệt hơn, quyết tâm hơn trong việc thực hiện Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Phải làm sao để điện tử phải điện tử hoàn toàn, nếu không sẽ không thể có hiệu quả”, bà Tú Anh kiến nghị.
Nếu có tâm, chắc chắn làm được ! “Riêng với lĩnh vực đăng ký kinh doanh khi vừa phải nộp bản giấy vừa phải nộp bản điện tử, chính cán bộ, công chức thực thi cũng có cái khó vì quy định của pháp luật là như vậy. Song, không phải không có cách giải quyết. Theo đó, hầu hết hồ sơ thay đổi đăng ký kinh doanhđều đơn giản. Do vậy, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh có thể làm sẵn kết quả, để khi doanh nghiệp hoặc văn phòng luật sư đến làm thủ tục có thể nhận kết quả ngay. Trong trường hợp buộc doanh nghiệp phải thực hiện cả hồ sơ giấy lẫn điện tử, việc cho phép doanh nghiệp được scan giấy tờ thay vì nộp bản giấy cũng sẽ tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp lẫn cán bộ thực thi. Nếu bản scan và bản điện tử đều giống nhau thì cán bộ có thể giải quyết trả kết quả cho doanh nghiệp ngay mà không cần phải đọc bản giấy. Tóm lại, trong môi trường pháp lý như hiện tại, chúng ta vẫn có thể thực hiện điện tử hoàn toàn được nếu như người thực thi có tâm muốn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân”. Ông LÊ XUÂN HIỀN, thành viên Tổ công tác |