Sớm có giải pháp giải quyết, không để người dân chờ đợi

Anh Thảo 15/06/2023 17:22

Tác động từ việc ban hành Quyết định 861/QĐ-TTg đang khiến hàng triệu người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, không được hưởng các chính sách của giai đoạn trước, trong đó nhiều nhất là chính sách bảo hiểm y tế. Vấn đề này tiếp tục được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh với mong muốn Chính phủ cần khắc phục nhanh hơn nữa, và sớm có biện pháp giải quyết, không để người dân tiếp tục chờ đợi.

Nhiều đối tượng đang được hỗ trợ, nay phải tự chi trả 

Ngày 4.6.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các chính sách từ Quyết định 861/QĐ-TTg, có một số đối tượng của giai đoạn 2016 - 2020 đang được Nhà nước hỗ trợ, nay phải tự chi trả do không còn thuộc diện "đặc biệt khó khăn", trong đó nhiều nhất là chính sách về bảo hiểm y tế, với khoảng hơn 2,3 triệu người bị ảnh hưởng.

Sớm có giải pháp giải quyết, không để người dân chờ đợi -0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn chiều 6.6.2023. Ảnh: H.Long

Nêu vấn đề này, nhiều đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá rõ tác động và giải pháp khắc phục.

Trả lời các chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, một trong những nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội (phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030), là xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, bảo đảm khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trên tinh thần đó, Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025. Sau đó, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg, đồng thời Ủy ban Dân tộc cũng đã ban hành Quyết định số 612/QĐ-UBDT phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Đối với nhóm "thế nào là vùng đồng bào dân tộc thiểu số", Bộ trưởng cho biết, tiêu chí là những xã, thôn có 15% người dân tộc thiểu số trở lên được xác định là xã hoặc thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở của tiêu chí này được tính từ tổng dân số trung bình người dân tộc thiểu số là 14,7% trên tổng dân số toàn quốc, khoảng 100 triệu dân. Căn cứ vào đó, xã nghèo hoặc thôn nghèo là những xã có 15% tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại xã, thôn đó. Tuy nhiên, việc phân định này cũng phát sinh vấn đề là những xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo dưới 15% không còn là xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn nữa.

Thừa nhận thực tế này, Bộ trưởng nêu rõ, sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg, khoảng hơn 1.800 xã thoát khỏi diện xã nghèo, không nằm trong vùng đặc biệt khó khăn nữa. Như vậy, các xã này không được hưởng các chính sách của giai đoạn 2016 - 2020 dành cho các địa bàn nghèo và các hộ nghèo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhận rõ những vấn đề nảy sinh khi áp dụng chính sách theo kết quả phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển nêu trên, tháng 9.2021, Ủy ban Dân tộc đã đánh giá tác động và đề xuất với Chính phủ. Ngày 30.9.2021, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, điều chỉnh, đề xuất giải pháp cụ thể đối với các chính sách đã ban hành, bảo đảm kết quả phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và nâng cao sinh kế cho người dân. Trong đó, tập trung giải quyết 12 chính sách thuộc các lĩnh vực như bảo hiểm y tế, sức khỏe sinh sản, hỗ trợ học sinh, sinh viên, giáo dục mầm non, các chính sách đối với nhà giáo, chính sách thu hút cán bộ đến vùng đặc biệt khó khăn... 

Cụ thể với chính sách bảo hiểm y tế - một trong hai chính sách được Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, đề xuất biện pháp, hiện Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Trong đó, đã đề xuất theo hướng: bổ sung các đối tượng thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020 nay đã thoát khỏi diện này, tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế với mức phù hợp, nhằm giải quyết cho hơn 2,3 triệu người bị ảnh hưởng. Các chính sách còn lại, các Bộ Giáo dục và Đào tạo (5 chính sách), Tài chính (2 chính sách), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ... đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát, xây dựng các dự thảo Nghị định có liên quan để trình Chính phủ trong thời gian tới. "Ủy ban Dân tộc với trách nhiệm của mình sẽ đôn đốc", Bộ trưởng Hầu A Lềnh khẳng định.

Kết hợp áp dụng điều khoản chuyển tiếp và sửa đổi chính sách

Không chỉ nêu câu hỏi chất vấn, trong phần tranh luận, một số đại biểu đã đề xuất biện pháp giải quyết để các đối tượng, địa bàn bị tác động tiếp tục được thụ hưởng chính sách như giai đoạn trước đó. ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) đề nghị, cần có một điều khoản chuyển tiếp để tiếp tục thực hiện các nội dung chính sách đối với những đối tượng, địa bàn bị ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025. Đây mới là phương án "khả thi nhất". Bởi, nếu bây giờ các bộ, ngành mới nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi các văn bản thì không biết bao giờ mới thực hiện được. "Mong mỏi này cũng chính là mong mỏi của nhân dân", đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.

Ghi nhận, tiếp thu đề xuất này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sẽ cùng các bộ, ngành báo cáo cấp thẩm quyền để "vừa áp dụng điều khoản chuyển tiếp, vừa kết hợp sửa đổi chính sách" theo hướng bổ sung, mở rộng đối tượng, địa bàn không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn để bà con tiếp tục được thụ hưởng chính sách.

Tác động từ Quyết định 861/QĐ-TTg không phải là vấn đề mới, được người dân và các địa phương phản ánh ngay khi vấn đề nảy sinh. Với vai trò giám sát, Hội đồng Dân tộc cũng kịp thời nắm bắt và nêu vấn đề tại các cuộc làm việc với Chính phủ và Ủy ban Dân tộc. Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chính sách dân tộc liên quan đến phân định các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng là một trong những vấn đề được lựa chọn để đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ Năm này.

Trong phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: sớm hoàn thành việc rà soát, tổng hợp, sửa đổi, bổ sung danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2021 - 2025. Lập danh sách các xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã, thôn chia tách, sáp nhập hoặc đề nghị điều chỉnh tên gọi, trên cơ sở đó nghiên cứu đề xuất giải pháp cụ thể đối với việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sớm có giải pháp giải quyết, không để người dân chờ đợi
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO