Ngày 3 và 4.12, Hội nghị "Tác động công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Impact Summit 2024 - VTIS2024)" diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) với 4 chủ đề chính: AI, Fintech, Blockchain và Game. VTIS 2024 cũng chia sẻ về các xu hướng, sức mạnh và tiềm năng công nghệ tương lai, các xu thế phát triển của tài sản số trên thế giới
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhấn mạnh, công nghệ, blockchain, AI, game... đã đi vào từng ngóc ngách trong mỗi gia đình Việt Nam. Ông dẫn thông tin từ Forbes cho biết, người Việt Nam đứng hai thế giới về sở hữu và quan tâm đến tài sản số. Các sàn giao dịch cũng thừa nhận giá trị giao dịch tài sản số của Việt Nam đứng thứ 4 thế giới.
Theo Chủ tịch SSI, Việt Nam có dân số trẻ, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm những xu hướng mới - đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có khung pháp lý cho tài sản số.
Thiếu khung pháp lý về tài sản số sẽ không thể bảo vệ người dùng trước những hoạt động lừa đảo hoặc thiếu minh bạch; đồng thời, gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực blockchain và tài sản số tại Việt Nam vẫn phải hoạt động trong điều kiện thiếu định hướng, khiến họ mất lợi thế cạnh tranh so với các nước láng giềng như Singapore hay Thái Lan, ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, cơ hội đang dần mất đi khi những nhà đầu tư nước ngoài và các tập đoàn công nghệ lớn có xu hướng chọn quốc gia khác có môi trường pháp lý thuận lợi hơn.
Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Duy Hưng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế. Xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo - điều cốt lõi của tài sản số. Đồng thời hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển để xây dựng một khung pháp lý hiệu quả, phù hợp với đặc thù của Việt Nam.
"Nhiều quốc gia đã coi tài sản số là một phần không thể thiếu trong lĩnh vực tài chính. Chúng ta cần phải quản lý để thu thuế, để giữ về mình và để con em chúng ta có đất phát triển",ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Trước đó, sáng 23.11, Chính phủ trình Quốc hội Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó dành 4 điều quy định khái niệm, tiêu chí xác định, nguyên tắc quản lý, trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản số. Đồng thời, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết loại hình, tiêu chí, nguyên tắc quản lý tài sản số, các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản số, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn.
Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng, quy định về tài sản số trong dự thảo Luật là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ. Trong đó, Chính phủ cần nghiên cứu phân loại tài sản số và xây dựng quy định quản lý tương ứng.