Sởi tăng mạnh và gây biến chứng nặng ở trẻ nhỏ, nguồn lây có thể từ người lớn

Trẻ nhỏ dễ gặp nhiều biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy, viêm tai giữa…, tăng nguy cơ trở nặng và tử vong khi mắc sởi. Nguồn lây bệnh có thể từ người chăm sóc trẻ và những người lớn xung quanh.

Từ đầu năm đến nay, số ca mắc sởi tăng mạnh trên khắp cả nước. Tại TP. Hồ Chí Minh, từ 23.5 - 12.8, các bệnh viện trên địa bàn đã tiếp nhận 597 ca sốt phát ban do sởi và nghi mắc sởi, trong đó có 3 ca tử vong, đa số chưa tiêm sởi và không rõ tiền sử tiêm chủng. Theo ngành y tế, 1 người mắc sởi có thể lây cho 20 người, trong khi đó một ca bệnh Covid chỉ lây từ 2 - 5 người. Sở Y tế đã đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh công bố dịch sởi và sớm triển khai chiến dịch tiêm chủng nhằm nâng độ bao phủ vắc xin đạt 95% để tạo miễn dịch cộng đồng.

1/20 trẻ mắc sởi gặp biến chứng viêm phổi

Trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh, lây gấp 10 lần Covid-19, BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết gần 200 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc ghi nhận lượt khách trẻ em và người lớn tiêm vắc xin sởi và vắc xin có thành phần phòng sởi tăng cao. Trong đó, nhiều người có nhu cầu tiêm sớm hơn lịch hẹn và trước 9 tháng tuổi.

Theo bác sĩ Chính, việc người dân chủ động phòng bệnh khi ca sởi gia tăng là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, bác sĩ Chính lưu ý: “Vắc xin cần vài tuần để tạo ra kháng thể, trong thời gian kháng thể chưa tạo đủ bảo vệ, trẻ vẫn có thể mắc bệnh. Phụ huynh cần tránh tâm lý chủ quan chỉ khi có dịch bệnh mới đưa con em đi tiêm vắc xin mà cần thực hiện tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ”.

Bác sĩ Chính cho biết sởi gây biến chứng ở nhiều cơ quan như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não, màng não, tiêu chảy, loét giác mạc dẫn đến mù lòa, suy dinh dưỡng. Trong đó, viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi.

Thống kê của CDC Mỹ cho thấy cứ 20 trẻ nhiễm sởi thì có 1 trẻ bị viêm phổi. Một đến ba trong số 1.000 trẻ sẽ tử vong do biến chứng về hô hấp, thần kinh, hay biến chứng tiêu chảy xảy ra ở gần 1 trong số 10 trẻ, nhất là trẻ nhũ nhi. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ có cơ địa yếu, trẻ suy dinh dưỡng, sinh non, mắc bệnh lý kèm theo có nguy cơ gặp biến chứng nặng hơn khi mắc sởi.

Điển hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 12.8 cho biết đang điều trị hơn 50 ca sởi, các trẻ mắc sởi nặng có bệnh lý nền như hen suyễn, tim bẩm sinh, bệnh lý về máu, thận hư…

Lý giải về nguyên nhân trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng, bác sĩ Chính cho biết trẻ em có hệ miễn dịch kém nên virus sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, virus sởi cũng gây suy giảm từ 20 - 70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác. Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn.

Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng xảy ra muộn là viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi, tâm thần như đang khỏe mạnh bỗng quơ quào tay chân, không có phương pháp điều trị.

Người lớn cũng là nguồn lây sởi cho trẻ nhỏ

Bác sĩ Chính lưu ý nguồn lây sởi không chỉ từ trẻ nhỏ mà có thể từ trẻ lớn, người chăm sóc trẻ, những người lớn trong gia đình. Tuy nhiên, sởi khó nhận biết ở người lớn hơn khiến dịch bệnh khó kiểm soát.

Sởi tăng mạnh và gây biến chứng nặng ở trẻ nhỏ, nguồn lây có thể từ người lớn -0
Người lớn cũng mắc sởi và có thể là nguồn lây cho trẻ. Nguồn: Euronews

Bác sĩ Chính phân tích khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như phát ban, sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Còn ở người lớn, triệu chứng sởi thường nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ khiến bệnh dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường. Do đó, người mắc sởi vẫn đi học, đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Bên cạnh đó, tâm lý nghĩ sởi chỉ gặp ở trẻ em cũng khiến người lớn chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh.

Ngoài ra, sởi còn có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 12-21 ngày mới bắt đầu phát ban và lây bệnh trước khi phát ban 4 ngày khiến việc kiểm soát lây lan khó khăn dù phát hiện được ca bệnh.

Phòng bệnh sởi như thế nào?

Bác sĩ Chính cho biết tiêm chủng đã ngăn ngừa được khoảng 57 triệu ca tử vong trong giai đoạn 2000 - 2022 nhưng bệnh vẫn còn phổ biến ở nhiều nước đang phát triển. Gần đây, số ca mắc sởi có dấu hiệu gia tăng do tỷ lệ tiêm chủng sụt giảm. WHO cảnh báo một nửa dân số thế giới có thể nhiễm sởi trong năm 2024 nếu không có biện pháp phòng ngừa khẩn cấp.

Tại nước ta, dịch sởi thường bùng phát theo chu kỳ 4-5 năm/lần, năm 2024 đang rơi vào đúng chu kỳ này. Trước đó, chu kỳ năm 2014 có hơn 110 trẻ tử vong.

Bác sĩ Chính lưu ý bất kỳ ai chưa có miễn dịch với sởi đều có thể nhiễm bệnh. Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ cao mắc sởi là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi không có miễn dịch từ mẹ truyền sang; những người chưa mắc sởi hoặc tiêm vắc xin phòng sởi trước đây; phụ nữ có thai; người bị suy yếu hệ thống miễn dịch do mắc các bệnh lý nền.

Bác sĩ Chính nhấn mạnh để ngăn bệnh bùng phát thành dịch, trẻ em và người lớn đều cần tiêm vắc xin sởi, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cần đạt 95%. Tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi giúp phòng bệnh và biến chứng lên đến 98%.

Sởi tăng mạnh và gây biến chứng nặng ở trẻ nhỏ, nguồn lây có thể từ người lớn -0
Người lớn tiêm vắc xin phối hợp ngừa sởi - quai bị - rubella tại VNVC
Ảnh: Ân Nguyên

Hiện nay Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC với gần 200 trung tâm trên toàn quốc đang có đầy đủ các loại vắc xin chính hãng có thành phần phòng sởi cho trẻ em và người lớn tiêm từ 9 tháng hoặc 12 tháng tuổi gồm vắc xin sởi đơn MVVac (Việt Nam); loại phối hợp ba trong 1 sởi - quai bị - rubella Priorix (Bỉ); loại phối hợp sởi - quai bị - rubella MMR II (Mỹ).

Tùy theo lịch sử chủng ngừa của trẻ, bác sĩ chỉ định phác đồ phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Trẻ cần tiêm ít nhất 2 mũi vắc xin có thành phần phòng sởi. Khi tình hình bệnh diễn biến phức tạp, với trẻ từ 12 tháng tuổi đã tiêm vắc xin sởi, bác sĩ có thể chỉ định tiêm 2 mũi vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella cách nhau ít nhất 1 tháng chứ không cần chờ đến 3 tháng hoặc khi trẻ 4 - 6 tuổi. Trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng.

Tất cả vắc xin tại VNVC đều được bảo quản ở hệ thống kho lạnh và dây chuyền lạnh đạt chuẩn GSP theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn, chất lượng cao với giá bình ổn, nhiều ưu đãi.

Đối với nhóm dưới 9 tháng tuổi, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo chỉ tiêm chủng khi có chỉ đạo và trong trường hợp cần thiết. Hiện theo thông tin kê toa từ nhà sản xuất, MVVac (Việt Nam) và MMR II (Mỹ) có thể tiêm cho trẻ dưới 9 tháng trong vùng dịch. Khi 9 hoặc 12 tháng tuổi, trẻ vẫn cần hoàn thành lịch tiêm cơ bản theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Phụ nữ nên hoàn thành phác đồ chủng ngừa trước mang thai ba tháng, để bảo vệ mẹ và truyền kháng thể cho con khi chào đời.

Để kịp thời đồng hành với cộng đồng phòng chống dịch sởi và các dịch bệnh nguy hiểm khác, VNVC đang áp dụng mức giá tốt, bình ổn, nhiều chương trình hỗ trợ người dân được tiêm vắc xin đầy đủ. Trong đó, VNVC đang có chương trình ưu đãi hơn 2 triệu đồng với gói vắc xin, hỗ trợ người dân tiêm vắc xin trước trả chi phí sau đến 12 tháng không lãi suất, toàn bộ lãi suất do VNVC hỗ trợ.

Sức khỏe

Bộ Y tế tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2024
Sức khỏe

Bộ Y tế tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm tết Trung thu năm 2024

Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, bánh trung thu tăng đột biến. Bên cạnh các cơ sở sản xuất kinh doanh có uy tín, sản phẩm bảo đảm an toàn cũng còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ.

Quang cảnh lễ ký kết
Sức khỏe

Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ và Bệnh viện Trung ương Huế ký kết chuyển giao kỹ thuật ghép thận

Ngày 12.9, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ Trần Quốc Luận cùng đoàn công tác của Bệnh viện đã có mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế để tham quan học tập các kỹ thuật ghép thận, kỹ thuật tạo hình thẩm mỹ – bỏng, đồng thời ký kết hợp đồng để Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện và chuyển giao kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ