Soi lại chính mình

- Chủ Nhật, 02/08/2020, 05:50 - Chia sẻ

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025 được Thành ủy Hà Nội gửi đến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội tại Hội nghị góp ý kiến sáng qua, 1.8, đã là phiên bản thứ tư, qua 9 lần nghiên cứu xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung, cập nhật và được thông qua Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố 2 lần, thể hiện được tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội. Trước đó, để chuẩn bị cho việc xây dựng Dự thảo Báo cáo, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo triển khai Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm số 20 với 8 đề tài khoa học, đến nay các đề tài đều đã được nghiệm thu và làm cơ sở lý luận, thực tiễn xây dựng văn kiện. Tất nhiên, phiên bản thứ tư của Dự thảo Báo cáo vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục đánh giá cặn kẽ, cụ thể và sâu sắc hơn nữa nhưng cách làm bài bản, khoa học và dân chủ của Hà Nội được các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội đánh giá cao.

Cũng giống như Hà Nội, đến thời điểm này, các địa phương trong cả nước đang gấp rút hoàn thiện việc lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Thành ủy, Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Từng tham gia góp ý kiến Dự thảo Báo cáo chính trị của một số địa phương trước đây, một vị cán bộ lão thành cách mạng chia sẻ, ông nhận thấy, các dự thảo Báo cáo chính trị có vẻ “na ná” nhau. “Ở đây, tôi không nói về hình thức, “form” báo cáo mà là về tư duy, tầm nhìn, về nội dung, nhiệm vụ cụ thể và cả những nhiệm vụ đột phá, chiến lược được thể hiện trong đó dù rõ ràng, mỗi địa phương đều có những đặc điểm riêng biệt, tiềm năng, thế mạnh riêng, đến nguồn lực con người cũng khác”, ông nhận xét.

Nhiều Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, trong hội nghị sáng qua, có lẽ cũng chia sẻ phần nào cảm nhận của vị cán bộ lão thành cách mạng kể trên khi đề nghị, Dự thảo Báo cáo của Hà Nội cần thể hiện sâu sắc hơn nữa vai trò rất đặc biệt của Hà Nội là Thủ đô của đất nước ta. Trong 63 tỉnh, thành phố, chỉ duy nhất Hà Nội có một đạo luật riêng, trong đó, quy định trách nhiệm của Thủ đô là “xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước”. Quốc hội cũng đã ban hành hai nghị quyết cho phép Hà Nội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, thí điểm một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù. Cũng chỉ Hà Nội mới có một vị thế thật đặc biệt trong trái tim người dân cả nước với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Dự thảo Báo cáo cũng xác định mục tiêu “xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước”. Điều này đặt ra yêu cầu Hà Nội phải nghiên cứu, bổ sung những chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể nào để đến năm 2025 sẽ thể hiện được mục tiêu này, nhất là mục tiêu “tiêu biểu cho cả nước? Đặt câu hỏi này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cũng chỉ rõ, khi xem các chỉ tiêu chủ yếu ở đây thì cũng giống với các tỉnh, thành phố khác. “Như vậy sẽ thiếu, chưa thể hiện được tính đặc thù, tính riêng biệt của Thủ đô”, ông bình luận.

Với vị thế là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và giao dịch quốc tế của cả nước, các Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội cũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu đối với công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng. Bởi như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ, dù xảy ra chỉ một vụ việc nhỏ trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ tác động rất lớn, cả nước quan tâm, thế giới quan tâm và có khi trở thành tâm điểm cho dư luận. Vậy thì, không chỉ phải rút kinh nghiệm sâu sắc về một số vụ việc đã xảy ra vừa qua, không được để xảy ra những vụ việc - dù là cá biệt - khi có nơi, làm mất vai trò lãnh đạo mà chắc chắn, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy đảng, chính quyền ở Hà Nội cũng phải khác đi, với yêu cầu cao hơn, khắt khe hơn. Chính lãnh đạo, đảng viên, cấp ủy đảng, cán bộ, công chức Thủ đô cũng phải là “tiêu biểu cho cả nước”.

Nói một cách hình ảnh thì các dự thảo báo cáo chính trị có lẽ cũng giống như một tấm gương hai chiều: vừa soi lại nhiệm kỳ hiện tại đã làm được những gì, chưa làm được gì; vừa rọi đến tương lai, trong nhiệm kỳ tới sẽ phải làm gì, đặt trọng tâm vào đâu, chọn khâu nào làm đột phá để có thể đưa địa phương mình phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

Những hội nghị góp ý kiến và phản biện về các dự thảo báo cáo chính trị là dịp để cấp ủy các địa phương soi lại chính mình; định vị rõ hơn vai trò, vị thế của địa phương mình trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc. Điều quan trọng nhất khi đứng trước tấm gương soi ấy chính là phải nhìn thẳng vào sự thật khách quan; đánh giá đúng, trúng thực tiễn; nhìn thấu những tiềm năng, thế mạnh hiện có, những thời cơ phía trước và cả những hạn chế, tồn tại đang cản bước phát triển của địa phương mình... để từ đó, tìm ra hướng đi phù hợp nhất, hiệu quả nhất. Phải tuyệt đối tránh việc tô hồng thành tựu, giảm nhẹ hạn chế, khuyết điểm, đặt ra những mục tiêu tuy rất hay, rất đẹp nhưng lại xa vời thực tiễn.

 

Quỳnh Chi