"Sợi dây kinh nghiệm" không thể rút mãi!

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 06:06 - Chia sẻ
Dù chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong năm cuối nhiệm kỳ, song đến tháng 12.2020, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV đã ban hành được 72 luật, 2 pháp lệnh, 41 nghị quyết quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách tham dự Hội nghị góp ý các dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV vẫn tâm tư trước tình trạng chưa xử lý kiên quyết các dự thảo luật chậm tiến độ, kém chất lượng, không có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo. Hạn chế này, theo các đại biểu không thể cứ rút mãi "sợi dây kinh nghiệm" được.

Đổi mới cơ bản quy trình lập pháp

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV đã thông qua số lượng lớn luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật. Không dừng ở số lượng, một điểm nhấn trong công tác lập pháp nhiệm kỳ này là nhiều luật có vị trí quan trọng, giữ vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật đã được tập trung sửa đổi, bổ sung, cũng như có một số đạo luật lần đầu tiên được ban hành, kịp thời điều chỉnh các vấn đề nổi lên từ thực tiễn cuộc sống.

Đặc biệt, để phục vụ quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước, Quốc hội đã phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại, công ước, điều ước quốc tế quan trọng như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; một số công ước quan trọng của Tổ chức Lao động quốc tế. Đồng thời, xem xét, thông qua nhiều luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng nhu cầu ký kết và thực hiện điều ước quốc tế phù hợp với lợi ích quốc gia.

ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) phát biểu tại hội nghị
Ảnh: Trung Thành

Bên cạnh những điểm nhấn nêu trên, từ quá trình tham gia công tác lập pháp của Quốc hội trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương có ấn tượng hơn cả là về quy trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Khóa XIV. Theo đó, thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh đã được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng tách bạch quy trình xây dựng chính sách và soạn thảo; tăng cường tính công khai, minh bạch trong xây dựng, ban hành văn bản; huy động trí tuệ của xã hội vào hoạt động xây dựng pháp luật.

 Ngoài những đổi mới có được từ quá trình thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, các đại biểu tham dự Hội nghị cũng nhấn mạnh một số đổi mới trong cách thức triển khai thực hiện. Đó là việc sau mỗi phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có Thông báo kết luận, trong đó nêu cụ thể ý kiến về các nội dung lớn, còn ý kiến khác nhau trong dự án luật, làm cơ sở, định hướng để cơ quan trình nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoặc có báo cáo giải trình bổ sung trình Quốc hội xem xét. Cách thức thảo luận, cho ý kiến với dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng đa dạng hơn, đúng quy trình, tiết kiệm thời gian nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, việc tổ chức lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án luật ngay từ quá trình thảo luận đã tăng thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng công tác tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án. Hay như nhận xét của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Thanh Hồng, việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội chuyển rất nhanh từ trạng thái tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như cách làm truyền thống trước đây chuyển sang cách làm phù hợp với điều kiện dịch bệnh đã có đóng góp khá lớn vào việc bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, nghị quyết trình ra kỳ họp của Quốc hội.

Chưa kiên quyết với dự án luật chậm tiến độ

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn vào một số hạn chế trong công tác lập pháp, các đại biểu tham dự Hội nghị chỉ rõ, tính dự báo trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm chưa cao. Việc đề nghị điều chỉnh chương trình còn nhiều, trong đó có không ít dự án luật, nghị quyết đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp, gây khó khăn, bị động cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Vẫn còn tình trạng xin lùi thời gian trình hoặc rút dự án ra khỏi chương trình do chưa chuẩn bị kịp, không bảo đảm chất lượng.

Một hạn chế khiến nhiều đại biểu tham dự Hội nghị tâm tư hơn cả là việc gửi hồ sơ dự án luật, nghị quyết đến cơ quan thẩm tra vẫn chưa bảo đảm tiến độ như quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi đó, việc cung cấp thông tin về dự án luật cũng chưa thực hiện tốt, ảnh hưởng tới công tác thẩm tra. Hạn chế này được cho là có nguyên nhân từ việc các cơ quan của Quốc hội chưa thực sự kiên quyết trong việc xử lý những dự án luật, nghị quyết bị chậm tiến độ, kém chất lượng, không có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo.

Theo một số đại biểu tham dự Hội nghị, hạn chế này có nguyên nhân khá lớn từ cơ quan chủ trì soạn thảo. Thực tế, nhiều trường hợp chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn gửi hồ sơ dự án luật, nghị quyết đến các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. “Thời gian gửi hồ sơ dự án luật về lấy ý kiến ở Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố rất ngắn, rất gấp, có khi chỉ trong 2 ngày. Với thời gian như vậy, chúng tôi khó có thể thực hiện lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng ở địa phương để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu thực hiện cũng chỉ làm hình thức”, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) nhấn mạnh.

Việc không thực hiện đúng quy định về thời hạn gửi hồ sơ dự án luật, dự án luật không bảo đảm chất lượng hoặc được thông qua nhưng phải sửa đổi sau một thời gian ngắn là những hạn chế không nên và không thể lặp lại trong thời gian tới. Do vậy, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị, phải kiên quyết hơn với dự án luật chưa tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng như chưa bảo đảm chất lượng. Không nên để "sợi dây rút kinh nghiệm" kéo dài mãi. “Cần có quy định cụ thể để xử lý nghiêm khắc với những cơ quan, tổ chức, cá nhân làm ảnh hưởng đến thời gian trình hay chất lượng dự án luật. Nếu vẫn như hiện nay thì lần này rút kinh nghiệm, lần sau lại rút kinh nghiệm tiếp, khó khắc phục triệt để hạn chế nêu trên”, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Thanh Hải