Tranh thờ của đồng bào Dao ở Yên Bái

Sợi dây kết nối quá khứ và hiện tại

- Thứ Năm, 23/09/2021, 11:44 - Chia sẻ
Tranh thờ chiếm vị trí quan trọng trong thực hành các nghi lễ tín ngưỡng của các nhóm người Dao ở Yên Bái. Chứa đựng niềm tin, quan niệm dân gian, tranh thờ vẫn đang được trao truyền và tiếp nối trong đời sống sinh hoạt cộng đồng.
	Tranh thờ - nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của đồng bào Dao – Ảnh: Laodongthudo.vn
Tranh thờ - nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của đồng bào Dao
 Ảnh: Laodongthudo.vn

Tổ tiên và thần linh luôn ngự trong tranh

Yên Bái là nơi sinh sống của cộng đồng 31 dân tộc anh em với lịch sử phát triển lâu đời. Trong các dân tộc sinh sống ở Yên Bái, người Dao có dân số khá đông, hiện nay có hơn 100.000 người, tập trung tại các huyện Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn và Trấn Yên.

Người Dao ở Yên Bái có 4 nhóm chính: Dao Đỏ (còn gọi là Dao Sừng, Dao Đại Bản), Dao Quần Chẹt (còn gọi là Dao Nga Hoàng, Dao Sơn Đầu), Dao Quần Trắng và Dao Làn Tuyển (còn gọi là Dao Tuyển). Các nhóm người Dao nói chung đều có nét tương đồng trong phong tục tập quán, tín ngưỡng như đều thờ cúng Bàn Vương, coi Bàn Vương là thủy tổ của tộc người mình và thường xuyên cúng lễ cầu mong sự giúp đỡ, che trở, phù hộ của Bàn Vương. Đồng bào Dao thờ tổ tiên cùng với các vị thần linh ở trên cùng một bàn thờ, xem đây là ma nhà, tổ tiên, thần linh của gia đình dòng họ.

Đồng bào dân tộc Dao quan niệm thế giới tồn tại một lực lượng siêu nhiên chi phối trời đất, núi rừng, sông, suối và con người. Cuộc sống con người luôn được che trở bởi ông bà tổ tiên, các vị thần linh, thế lực siêu nhiên huyền bí. Các vị thần hiển hiện trong các bộ tranh thờ để che trở và giao hòa với con người thông qua các nghi lễ. Bởi vậy, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên, các vị thần linh, trong ngày tết, lễ cấp sắc, tết nhảy, giải hạn, cầu an... không thể thiếu tranh thờ. Đây là nét độc đáo của người Dao ở Yên Bái.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Phúc, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Yên Bái, trong các nhóm người Dao lại có các họ khác nhau như họ Lý, họ Bàn, họ Triệu, Đặng, trong đó họ Triệu sử dụng bộ tranh thờ có 18 bức tranh, họ Lý sử dụng bộ tranh thờ chỉ có 4 bức. Tuy khác nhau về số lượng tranh nhưng ở bộ 4 bức, nhiều vị thần được vẽ trên một tranh, từ đó số lượng vị thần trên tranh đầy đủ và tương đồng về chức năng và quyền lực.

Thông thường, các bộ tranh thờ được cuộn, gói ngay ngắn và treo gần bàn thờ (tủ thờ) của mỗi gia đình. Người Dao tin rằng ma nhà, tổ tiên và các vị thần luôn ngự trong tranh để chứng giám, phù hộ, tác phúc cho các thành viên trong gia đình được khỏe mạnh, chăn nuôi, trồng cấy được mùa, gia đình no ấm. Khi có việc trọng đại được quy định cụ thể, các gia đình mới làm lễ mở tranh mời thần về.

Thực hành nghi lễ cầu cúng, các bộ tranh thờ được treo trên vách tường nhà, cạnh bản thờ ở ngay gian giữa, nơi diễn ra trung tâm lễ cúng. Tranh thờ xuất hiện không chỉ như một hình thức trang trí, mà như hiện thân của tổ tiên, thần linh về chứng giám toàn bộ hoạt động của gia đình, dòng họ. Tranh thờ bắt buộc treo đầy đủ theo từng dòng họ, bên cạnh đó, còn có một bộ tranh do thầy tào mang đến, biểu hiện thầy mang theo sư phụ, âm binh thần tướng giúp gia chủ hành lễ...

Giữ nét đẹp truyền thống

	Tranh thờ - nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của đồng bào Dao – Ảnh: Yenbai.tintuc.vn
Tranh thờ - nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của đồng bào Dao
Ảnh: Yenbai.tintuc.vn

Trong quá trình đổi mới, hội nhập, giao lưu và phát triển hiện nay, đời sống người Dao ở Yên Bái đã có nhiều thay đổi, tuy vậy đồng bào vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống, những nghi lễ của dân tộc mình như lễ cấp sắc, tết nhảy, giải hạn cầu an, tang ma... Các bức tranh thờ vẫn được duy trì trong sinh hoạt tín ngưỡng của các nhóm người Dao, tiếp tục là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Nhu cầu phải có bộ tranh thờ như có thần linh trong nhà vẫn song hành với đời sống tâm linh của đồng bào, từ đó tranh thờ tiếp tục được trao truyền, hoạt động vẽ tranh vẫn tồn tại và phát triển.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Phúc cho biết: Tranh thờ còn được lưu giữ sử dụng thờ cúng trong các gia đình người Dao theo hai hướng chính. Một là bộ tranh được trao truyền từ đời cha ông để lại, thường được lưu giữ qua 3 - 4 đời, có cách đây 100 - 200 năm, thường còn ở những gia đình chủ nhà là người cao tuổi. Đối với các gia đình mới lập bàn thờ vài chục năm gần đây, tranh thờ được một số ít thầy cúng địa phương vẽ lại, hiện tại ở mỗi xã có người Dao cư trú thường chỉ có một ông thầy có khả năng vẽ tranh phục vụ cho nhu cầu tâm linh.

Việc vẽ lại các bức tranh thờ với cách thức thể hiện đơn giản và thiên về tính tiện lợi, sử dụng chất liệu mới, với tay nghề và sự hiểu biết về các bức tranh có nhiều chênh lệch ở mỗi vùng miền, dẫn tới tình trạng "tam sao thất bản", các bức tranh vẽ mới khác xa nhiều với những bộ tranh cổ, làm cho giá trị tranh thờ không còn vẻ đẹp như trước.

Một số địa bàn dân cư rộng tới một vài xã mới có một thầy tào, thầy cúng vẽ được tranh thờ, nhiều thầy tuổi đã cao nhưng cũng chưa có con cháu để truyền nghề, chưa tìm được trong dòng họ có người đủ tố chất cũng như lòng yêu nghiệp vẽ tranh để truyền dạy. Như vậy có thể một ngày không xa khi các thầy tào về với tổ tiên, rừng thiêng, sẽ mãi mang theo cả những bí ẩn và kỹ thuật, thủ pháp vẽ tranh thờ truyền thống. Bởi vậy, vấn đề này cần sớm được quan tâm, có biện pháp bảo tồn và phát huy, để gìn giữ nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao.

Ngọc Phương