Soi chiếu dưới nhiều góc độ

Hoàng Ngọc 11/08/2015 08:21

Có nên sử dụng lãi suất cơ bản để khống chế lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự là một trong những chủ đề tranh luận của các ĐBQH khi đóng góp ý kiến vào Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho rằng không nên, bởi thực tế, quy định này đã có trong Bộ luật Dân sự hiện hành, nhưng từ khi có hiệu lực đến nay, Ngân hàng Nhà nước không công bố lãi suất cơ bản và cũng chưa xác định được bản chất của lãi suất cơ bản là gì? Tuy nhiên, theo một số đại biểu khác, nếu bỏ lãi suất cơ bản thì đâu sẽ là căn cứ để khống chế lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự? Phương án nào để thay thế lãi suất cơ bản? Nội dung này tiếp tục được phân tích, mổ xẻ tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại Nghệ An vừa qua.

Có quy định, nhưng thực tế không thực hiện được

Điều 483, Dự án Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Không đồng tình với quy định này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc nêu thực trạng: từ năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không công bố lãi suất cơ bản. Thực tế, trong Luật NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng quy định: NHNN công bố lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cơ bản và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ, chống cho vay nặng lãi. Nhưng thực tế NHNN cũng không xác định được bản chất của lãi suất cơ bản là gì? Đây có thể là nguyên nhân dẫn tới NHNN "bỏ ngỏ"... việc công bố lãi suất cơ bản (?). Mặt khác, xét trong quan hệ dân sự và tội phạm hình sự, lãi suất cơ bản được sử dụng làm lãi suất tham chiếu để xác định tội cho vay nặng lãi. Khi NHNN không công bố lãi suất cơ bản, tòa án vẫn phải căn cứ vào lãi suất cơ bản được xác định từ năm 2009 - đã quá thấp và không còn phù hợp với thực tế - để tham chiếu cho lãi suất vay hiện nay trong giải quyết các tranh chấp. Nếu sửa đổi theo hướng lấy lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản như Dự thảo Bộ luật, thì Ban soạn thảo cần làm rõ căn cứ nào để xác định mức lãi suất này? - Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Phúc thẳng thắn.

Cùng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông phân tích: vay, mượn vốn là câu chuyện của thị trường. NHNN chỉ điều tiết chính sách tiền tệ và tài khóa, chứ không điều tiết lãi suất trong quan hệ dân sự. Thực tế, hợp đồng dân sự được các bên cam kết, thỏa thuận với nhau và người đi vay chấp nhận rủi ro. Có trường hợp, người đi vay cần gấp một số tiền lớn để đầu tư cho dự án đem lại lợi nhuận cao gấp 5 - 6 lần mức lãi suất cho vay phải trả, nên họ tự nguyện chấp nhận bản hợp đồng cho vay với lãi suất cao. Khi cầu có - cung có, thì có nên xử lý trường hợp này? - Phó chủ nhiệm Lê Minh Thông băn khoăn - thực tế dù có quy định "trói buộc" như Dự thảo Bộ luật, thì cả bên đi vay và bên cho vay, khi có nhu cầu cũng sẽ tìm được cách để "lách luật".

Cũng theo một số đại biểu, chuyên gia dự Phiên họp thì trong thực tế, không ít ngân hàng thương mại, công ty tài chính cũng đang vi phạm tội danh cho vay nặng lãi. Bằng chứng là có khi họ cho vay tín chấp với lãi suất lên tới dăm bảy chục phần trăm một năm, gấp nhiều lần mức lãi suất cơ bản của NHNN cũng như lãi suất cho vay doanh nghiệp trung bình hiện nay. Do vậy, nếu sửa đổi Bộ luật theo hướng chỉ nâng mức trần lên 200% lãi suất cơ bản dễ dẫn tới tình trạng bóp méo thị trường, hạn chế nhu cầu chính đáng và cơ hội vay vốn của nhiều người. Trong trường hợp này, rõ ràng quy định về trần lãi suất, tuy có thiện ý bảo vệ quyền lợi người đi vay, nhưng lại trở thành "vật cản" với họ.

Từ góc nhìn của cơ quan thẩm tra và hiện đang giúp UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý chỉ rõ, nếu bỏ quy định về lãi suất cơ bản, đồng nghĩa một bộ phận rất lớn người dân yếu thế sẽ bị bỏ rơi, buộc phải đi vay nặng lãi. Nhất là trong những trường hợp thỏa thuận không phải tự nguyện của các bên mà quyền chủ động thuộc về bên cho vay với yêu cầu người đi vay phải thế chấp đất đai, tài sản... của mình một cách bất đắc dĩ. Định giá tài sản thế chấp thực tế quá thấp so với giá trị tài sản. Mức lãi suất vay quá cao. Người dân không thể trả được tiền vay. Trong Bộ luật Dân sự không có quy định khốëng chế trần lãi suất cơ bản thì ai sẽ bảo vệ những người dân yếu thế này? Đây có lẽ là câu hỏi cần câu trả lời thấu đáo, khả thi hơn từ phía cơ quan soạn thảo.

Phương án nào thay thế lãi suất cơ bản?

Trước hai luồng ý kiến còn khác nhau về việc nên có hay không có lãi suất cơ bản, Ủy ban Pháp luật đề xuất hai phương án. Phương án 1: giữ nguyên quy định tại Điều 483, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã trình QH. Phương án 2: quy định mức lãi suất cố định trong Bộ luật Dân sự dựa trên số tiền cho vay trong một năm.

Với phương án 1, nếu giữ nguyên như quy định như dự thảo trình QH, thì hằng năm NHNN sẽ phải công bố lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, ngay NHNN cũng đưa ra 5 lý do để chứng minh rằng không nên quy định lãi suất cơ bản để xác định trần lãi suất cho vay và đề nghị, mức trần lãi suất vay nên được quy định cụ thể ngay trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) lần này trên cơ sở tính toán phù hợp với tính chất chống cho vay nặng lãi, tạo sự minh bạch giữa các bên tham gia quan hệ dân sự. Căn cứ vào quy định này, các bên có thể tính toán ngay mức trần lãi suất cho vay để điều chỉnh hành vi khi có nhu cầu thiết lập hợp đồng giao dịch. Quy định như vậy cũng sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp có thể xác định mức lãi suất cho vay giữa các bên có vi phạm pháp luật hay không? NHNN cũng đề nghị, để bảo đảm có sự thay đổi linh hoạt mức trần cho vay khi thị trường có biến động, nên giao Bộ Tư pháp hoặc Chính phủ thay đổi mức trần lãi suất cho vay trong trường hợp cần điều chỉnh.

Bác bỏ quan điểm này, đại diện Bộ Tư pháp nêu rõ, Luật NHNN, Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định lãi suất cơ bản, trách nhiệm công bố lãi suất cơ bản thuộc về NHNN. Nếu NHNN đề nghị phải có mức trần lãi suất cho vay ngay trong luật, vậy cụ thể con số này là bao nhiêu phần trăm? Tại sao NHNN, cơ quan được giao chức năng, nhiệm vụ đối với lĩnh vực này, lại không đề xuất được mức trần lãi suất cho vay?

Với phương án 2, trong trường hợp không công bố lãi suất cơ bản, không xác định được trần lãi suất cho vay, thì căn cứ nào để khốëng chế lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự? Theo Ủy viên Ủy ban Pháp luật Trần Văn Độ, nếu không có lãi suất cơ bản, tội danh cho vay nặng lãi vẫn có thể định tội, theo hướng: lãi suất cho vay nặng lãi gấp 10 - 20 lần lãi suất trần tại thời điểm vay. Quy định 20% lãi suất đối với khoản vay nếu không có lãi suất cơ bản sẽ là căn cứ hợp lý để giải quyết tội danh cho vay nặng lãi - ý kiến của đại diện Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, ở góc độ bảo đảm tính khả thi của điều luật, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cần lý giải vì sao lấy mức 20% lãi suất vay đối với khoản vay trong bối cảnh thị trường biến động, lãi suất thường xuyên lên, xuống thất thường. Nên chăng, lấy mức lãi suất bình quân của một số ngân hàng thương mại, hoặc lãi suất tiêu dùng của ngân hàng thương mại là căn cứ - như vậy sẽ bám sát thị trường hơn. Thực tế, hằng tuần, NHNN đều công bố mức lãi suất này. Chúng ta cũng không cần giao cơ quan nào phải điều chỉnh lãi suất cơ bản.

Chỉ với một điều luật, nhưng rõ ràng đã được soi chiếu, cân nhắc dưới nhiều góc độ, chiều kích khác nhau. Ai cũng có lý lẽ của mình. Nên giữ nguyên như luật hiện hành mà thực tế không được thực thi hay không tiếp tục quy định việc lấy lãi suất cơ bản để xác định trần lãi suất cho vay có lẽ sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề tranh luận của QH tại Kỳ họp cuối năm nay. Những ý kiến đóng góp, tranh luận, dù ở góc độ nào, cần được nghiên cứu, tiếp thu một cách có chọn lọc, bảo đảm cơ sở lý luận cũng như tính khả thi trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Dù tiếp thu, chỉnh lý theo hướng nào thì có lẽ yêu cầu đối với tất cả các điều luật đều phải hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, nhất là những người yếu thế.

 NHNN đề nghị không quy định sử dụng lãi suất cơ bản do NHNN công bố làm lãi suất tham chiếu để tính trần lãi suất cho vay tại Điều 483, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Vì các lý do, thứ nhất, mục đích quy định tại Điều 483, Dự thảo Bộ luật Dân sự là xác định mức trần lãi suất cho vay. Thứ hai, lãi suất cơ bản theo quy định của Luật NHNN Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng và theo thông lệ quốc tế là loại lãi suất có tính cơ sở nền tảng và thường được ngân hàng trung ương sử dụng để điều chỉnh chính sách tiền tệ, không mang tính thị trường. Việc lấy lãi suất cơ bản làm cơ sở xác định trần lãi suất cho vay trong quan hệ dân sự, mục đích chống cho vay nặng lãi là không phù hợp với tính chất, mục tiêu của nội dung này. Thứ ba, trong thời gian qua lãi suất cơ bản được công bố thường là mức tương đối thấp, và được điều chỉnh tăng, giảm với biên độ nhỏ, khi cần ổn định lãi suất thị trường, do đó việc tăng 150% hay 200% có thể vẫn quá thấp, không khả thi. Thứ tư, lãi suất cơ bản không được chia thành mức lãi suất khác nhau, áp dụng cho các thời hạn khác nhau, khoản vay khác nhau. Thứ năm, việc giao NHNN áp dụng lãi suất cơ bản đối với trần cho vay đối với các hợp đồng dân sự cũng chưa phù hợp với chức năng theo thông lệ của NHNN Trung ương là thực hiện chính sách tiền tệ và quản lý các ngân hàng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Soi chiếu dưới nhiều góc độ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO