Thông tin từ Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Bá Nhiệm cho biết, thời gian qua, các cấp hội đã thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể nhằm tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở rộng mặt trận khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, các mô hình học tập trong quần chúng Nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã kết nạp gần 500 ngàn hội viên khuyến học (đạt tỷ lệ 39%); 93.402 cán bộ, viên chức và người dân đăng ký xây dựng danh hiệu “Công dân học tập” (đạt tỷ lệ 16,27%); 156.688 gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình học tập” (đạt tỷ lệ 42,89%); 2.038 dòng họ đăng ký danh hiệu “Dòng họ học tập” (đạt tỷ lệ 45,20%); 767 cộng đồng đăng ký danh hiệu “Cộng đồng học tập” (đạt tỷ lệ 96,97%); 923 đơn vị đăng ký danh hiệu “Đơn vị học tập” (đạt tỷ lệ 99,25%). Đặc biệt, phong trào “Học không bao giờ cùng” của các cấp hội khuyến học trong tỉnh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng với mục tiêu làm cho mọi người dân tùy theo điều kiện đều học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo lời dạy của Bác Hồ.
Các đơn vị trong tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 (từ ngày 1 đến ngày 7.10.2024) với chủ đề “Phát triển Văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” nhằm mục đích nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm, sự quan tâm và tham gia tích cực của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội đối với việc phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy học tập suốt đời.
Dịp này, các đơn vị có liên quan tổ chức các hội sách để giới thiệu sách mới, tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, kể chuyện dựa trên sách báo để kích thích sự sáng tạo và yêu thích đọc sách báo; phát động học sinh, học viên, sinh viên và mọi người dân quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học cho các trường vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, ngành giáo dục tỉnh cũng tăng cường các hoạt động thư viện trường học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tối ưu hóa nền tảng công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng hoạt động thư viện; giới thiệu, nhân rộng các mô hình quản lý, tổ chức các hoạt động thư viện trường học tiêu biểu, điển hình; đẩy mạnh dịch vụ thư viện lưu động tại các địa phương, nhất là ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...