Nhiều lợi ích cho bệnh viện và bệnh nhân
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Cà Mau Trần Quang Khóa, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, thời gian qua ngành y tế tỉnh Cà Mau đã lập kế hoạch và triển khai chuyển đổi số y tế như: Lập Hồ sơ sức khỏe điện tử nhằm ghi lại và lưu trữ thông tin tóm tắt các đợt khám chữa bệnh xuyên suốt theo thời gian sống của người dân. Hiện nay, 101/101 trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, đạt 100%. Dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe qua hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân đạt 100%. Số người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) được lập hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân đạt 100%/tổng số người cao tuổi.
Để thuận tiện và nhanh gọn hơn trong thủ tục hành chính, Sở Y tế Cà Mau đã xây dựng và trình UBND tỉnh ký ban hành Kế hoạch về việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Đến nay, có 18 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh và huyện đã triển khai thực hiện thu phí không dùng tiền mặt. Trong đó, 14 cơ sở y tế công lập và 4 cơ sở y tế ngoài công lập.
Sở cũng đẩy mạnh việc tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân có tích hợp BHYT và triển khai liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT; sử dụng Sổ sức khỏe điện tử, giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám lại trên VNeID khi đi khám chữa bệnh. Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân. Tỉnh cũng đang triển khai thực hiện Bệnh án điện tử thí điểm cho 2 bệnh viện lớn là Bệnh viện Đa khoa và Sản - Nhi. Hướng tới, năm 2025 sẽ triển khai cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập và khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập triển khai.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang triển khai cho 100% trạm y tế và phòng khám đa khoa khu vực Dự án “Ứng dụng y tế từ xa nhằm tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho các nhóm yếu thế tại Việt Nam” theo Công văn số 1671/KCB-QLCL&CĐT, ngày 14.10.2024 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau Tô Minh Nghị cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã triển khai hầu hết các mảng của chuyển đổi số dành cho một bệnh viện. Ðến nay, bệnh nhân có thể đăng ký khám chữa bệnh (KCB) online, đặt lịch khám chữa bệnh từ trước khi đến bệnh viện. Bệnh viện cũng đã triển khai thực hiện bệnh án điện tử trong quá trình khám chữa bệnh; triển khai thực hiện vận hành, sử dụng đơn thuốc điện tử và kết nối với Hệ thống thông tin Quốc gia.
Nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số trong hệ thống y tế bước đầu đã chứng minh được nhiều lợi ích thiết thực cho ngành y tế, hệ thống khám chữa bệnh, người được thụ hưởng dịch vụ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn trong chuyển đổi số, nhất là khâu điều trị. Một trong những vấn đề nan giải nhất cho công tác chuyển đổi số mà ngành y tế Cà Mau gặp phải là nguồn kinh phí trong khi Bộ Y tế chưa có hướng dẫn về tài chính chi cho công nghệ thông tin nên việc đầu tư cho công nghệ thông tin còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của đơn vị; việc bảo trì, bảo dưỡng hệ thống chưa được thực hiện thường xuyên. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin chưa đảm bảo nhu cầu, một số đơn vị y tế tuyến cơ sở còn có tâm lý ngại sử dụng các phần mềm; các phần mềm cũng chưa được tích hợp và đồng bộ gây khó khăn trong việc quản lý và sử dụng, hơn nữa hiện nay còn một bộ phận lớn người dân chưa có thói quen ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là người bệnh lớn tuổi, người bệnh ở vùng nông thôn…
Theo Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau Tô Minh Nghị, khó khăn nhất hiện giờ là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vẫn còn thiếu so với yêu cầu chuyển đổi số, đặc biệt là máy chủ để lưu trữ dữ liệu các máy tính làm việc của các bộ phận chuyên môn hoặc các máy tính bảng để làm việc tại các khoa, phòng. Đường truyền, băng thông đôi khi còn chậm, nhất là trong giờ cao điểm.
Trước thực trạng trên, ngành y tế tỉnh Cà Mau đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện chuyển đổi số đạt kết quả tốt nhất, trước tiên là tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu và sử dụng các dịch vụ y tế thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung toàn lực triển khai các giải pháp đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số tại đơn vị, nhất là trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số y tế. Phân công Tổ công nghệ thông tin của tuyến tỉnh hỗ trợ cho tuyến huyện, xã; rà soát, tích hợp và đồng bộ hóa các phần mềm ứng dụng để cung cấp cho các đơn vị sử dụng.
Sở Y tế Cà Mau cũng kiến nghị các Bộ, ngành có các chính sách thu hút, nâng cao chất lượng, số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin tham gia tại các cơ sở y tế; sớm có văn bản hướng dẫn hành lang pháp lý, nhất là kinh phí cho công tác tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, đơn thuốc điện tử, bệnh viện thông minh, bệnh viện không sử dụng giấy, chia sẻ và xác thực việc cung cấp, sử dụng dữ liệu của người bệnh liên thông giữa các phần mềm trong ngành y tế từ trung ương đến địa phương.