Điểm lại pháp luật kinh doanh năm 2020

Số thông tư giảm mạnh

- Thứ Tư, 13/01/2021, 06:35 - Chia sẻ
“Chất lượng xây dựng thể chế và chất lượng các quy định pháp luật nói chung đã và đang dần được nâng lên một bước, với nội dung thiết thực và dễ thực thi hơn cho dù không cần ban hành thêm nhiều thông tư ở cấp bộ”, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 ghi nhận. Năm 2020 chỉ có 310 thông tư được ban hành, giảm mạnh so với các năm trước đó.

Thúc đẩy khởi sự kinh doanh là điểm sáng

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 12.1, cho biết, trong năm 2020, số lượng các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành giảm so với trung bình các năm trước đó.

Cụ thể, các cơ quan nhà nước tại Trung ương đã ban hành 546 văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có 17 luật, 158 nghị định, 39 quyết định và 310 thông tư. So với các năm trước, số luật, nghị định và quyết định không biến động nhiều nhưng số thông tư giảm mạnh (năm 2019 có 467 thông tư, năm 2018 có 643 thông tư, năm 2017 có 556 thông tư). Cùng với đó, các bộ đã ban hành 95 văn bản để cụ thể hóa, triển khai các luật hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Nhóm tác giả Báo cáo nêu 4 nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm số lượng văn bản, đặc biệt ở cấp thông tư. Đầu tiên, có thể kể đến việc năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ, nhiều bộ ngành bận các công tác về tổ chức bộ máy hơn là việc xây dựng văn bản pháp luật. Thứ hai, có thể do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều hoạt động xây dựng pháp luật bị đình trệ. Thứ ba, một phần nguyên nhân có thể do sự chỉ đạo của Chính phủ trong việc giảm các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ngày 12.5.2020 “trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ”. Thứ tư, nhiều cơ quan đã nghiêm túc thực hiện các quy định về hạn chế thẩm quyền ban hành văn bản của bộ trưởng như không được ban hành thông tư mới hoặc không được ban hành các quy định mang tính điều kiện đầu tư kinh doanh.

Báo cáo cũng ghi nhận điểm sáng của năm là việc Chính phủ đã soạn thảo và ban hành các văn bản có tính chất thúc đẩy hoạt động khởi sự kinh doanh.

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh (Doing Business) 2020 do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019, thủ tục khởi sự kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 115/190 nền kinh tế, đứng thứ 6 trong ASEAN với 8 thủ tục, thực hiện trong 16 ngày. Trước thực tế đó, Chính phủ ban hành Nghị định 122/2020/NĐ-CP quy định quy trình liên thông giữa các thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp chỉ phải chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, kê khai 1 biểu mẫu, thực hiện tại 1 cơ quan và nhận 1 kết quả thống nhất, rút ngắn được tối đa thời gian gia nhập thị trường của doanh nghiệp (trong 3 ngày - bằng đúng thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp quy định tại Luật Doanh nghiệp). Việc đề nghị mua hóa đơn vẫn thực hiện tại cơ quan thuế trong thời hạn 2 ngày. “Nghị định 122/2020/NĐ-CP đã rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh, góp phần tinh giản thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các chủ thể kinh doanh khi gia nhập thị trường”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Nguồn: ITN

Vẫn thấp thoáng tư duy cũ

Mặc dù vậy, Báo cáo cho rằng một số văn bản được ban hành, soạn thảo trong năm 2020 vẫn còn thấp thoáng tư duy cũ - áp đặt các biện pháp quản lý khắt khe quá mức cần thiết (ví dụ Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn); chưa tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp dân doanh hoạt động (ví dụ Thông tư 07/2020 quy định về kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện) hay thủ tục hành chính còn chưa minh bạch.

Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, vẫn còn tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng, gây cách hiểu khác nhau trong các quy định pháp luật; có tình trạng nhiều quy định pháp luật được ban hành rất bất hợp lý và ẩn chứa nhiều vướng mắc gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Đơn cử như, cùng cơ chế quản lý nhưng có ngành được bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, có ngành được giữ lại dẫn đến sự thiếu nhất quán trong chính sách. Chẳng hạn kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế đã được đưa ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, nhưng kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn” vẫn nằm trong danh mục.

Ngoài ra, vẫn tồn tại các dạng điều kiện kinh doanh chưa phù hợp. Chẳng hạn như, một số ngành nghề như cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; cung cấp thông tin tín dụng; hoạt động của nhà xuất bản; kinh doanh dịch vụ bưu chính yêu cầu về vốn pháp định trong các điều kiện kinh doanh là chưa phù hợp.

Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định phải có “phương án kinh doanh” tại thời điểm xin cấp giấy phép kinh doanh cũng chưa hợp lý, ít ý nghĩa và chưa minh bạch. Bởi, “phương án kinh doanh” có thể thay đổi tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, chiến lược, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp.

Qua quá trình rà soát, nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy có sự chồng lấn về mặt quản lý giữa các cơ quan nhà nước với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Ví dụ để được kinh doanh khí, thương nhân phải có 2 loại giấy phép: Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí. Để được cấp 2 giấy phép này, thương nhân đều phải có “tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện về phòng cháy và chữa cháy”. Như vậy có 2 cơ quan khác nhau cùng đánh giá về điều kiện phòng cháy và chữa cháy đối với hoạt động kinh doanh khí. Điều này tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các chủ thể kinh doanh.

Tuệ Anh