Sổ tay:

Tăng sự chủ động cho văn phòng công chứng

- Chủ Nhật, 24/01/2021, 09:06 - Chia sẻ
TP Hà Nội hiện có 122 tổ chức hành nghề công chứng với gần 500 công chứng viên hành nghề tại 30 quận, huyện, thị xã. Với đội ngũ công chứng viên đông đảo, nhất nhì cả nước nhưng cán bộ quản lý lại mỏng. Đây là thách thức không nhỏ cho Hà Nội trong quá trình quản lý hoạt động hành nghề công chứng.

Trung bình mỗi năm, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Thủ đô thực hiện khoảng 500.000 hợp đồng, giao dịch, thu hơn 200 tỷ đồng. Để góp phần hạn chế rủi ro trong hoạt động công chứng, năm 2011 TP Hà Nội đã xây dựng phần mềm quản lý thông tin ngăn chặn và hợp đồng, giao dịch đã công chứng. Đến nay, 100% tổ chức hành nghề công chứng đã tham gia, cập nhật thường xuyên hợp đồng, giao dịch đã ký công chứng lên phần mềm. Không chỉ phục vụ các tổ chức hành nghề công chứng, cá nhân, tổ chức liên quan, mà các sở, ngành chuyên môn cũng thường xuyên cập nhật thông tin tham khảo. Có thể coi phần mềm này là một trong những công cụ hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho các bên tham gia giao dịch, hạn chế rủi ro cho công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng trong quá trình hành nghề và thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu công chứng cũng như bảo đảm các quyền hợp pháp của chủ sở hữu, sử dụng tài sản là đất, nhà và động sản khác.

Bên cạnh câu chuyện "việc nhiều biên chế mỏng", hiện quá trình triển khai thực hiện Luật số 28/2018/QH14 ngày 15.6.2018 sửa đổi bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, trong đó có Luật Công chứng năm 2014 cũng gặp không ít vướng mắc. Điển hình là việc thành lập mới các tổ chức hành nghề công chứng khi không còn quy hoạch. Bởi, việc quản lý hoạt động công chứng vừa phải bảo đảm đúng tinh thần không còn quy hoạch về công chứng trên các đơn vị hành chính, vừa phải đảm bảo định hướng tổ chức hành nghề công chứng phát triển gắn với dân cư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cá nhân, tổ chức để tránh tình trạng tập trung nhiều tổ chức hành nghề trên một đơn vị hành chính.

Để tháo gỡ những vướng mắc trên, đồng thời tiếp tục triển khai hiệu quả các quy định của Luật Công chứng, Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản về việc thực hiện chính sách tài chính đối với tổ chức hành nghề công chứng thành lập tại các địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, xa trung tâm. Từ đó bảo đảm phòng công chứng giữ vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Song song với giải pháp trên, Sở Tư pháp Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi hoạt động của các Phòng công chứng đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở nhà nước thực hiện lộ trình bảo đảm kinh phí hoạt động có thời hạn; chuyển đổi hoặc giải thể Phòng công chứng hoạt động không hiệu quả tại các địa bàn mà Văn phòng công chứng đã đáp ứng được nhu cầu công chứng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ xây dựng Đề án thí điểm liên thông đối với yêu cầu của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế. Nếu Đề án này được thông qua, không những tiết kiệm thời gian, chi phí trong việc thực hiện thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; mà còn giúp các bên liên quan phát hiện, ngăn chặn các giao dịch giả tạo, hợp pháp hóa các giao dịch bất hợp pháp, tránh thất thoát nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đình Khoa