Sổ tay phóng viên: Doanh nghiệp Việt hưởng lợi từ cuộc vận động

Tâm Đức 22/01/2011 07:56

Sau 1 năm thực hiện cuộc vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, doanh nghiệp Việt đã có cơ hội để nâng cao uy tín thương hiệu đối với người tiêu dùng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh tại thị trường trong nước.

Trong năm 2010, Sở Công thương các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tổ chức được 80 đợt bán hàng về nông thôn, với 857 lượt doanh nghiệp tham gia và 1.124 gian hàng, thu hút hơn 4.793.000 lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng đạt 1.499 tỷ đồng. Các Sở Công thương còn tiếp nhận, theo dõi 36 đợt bán hàng với 303 lượt doanh nghiệp tham gia và 505 gian hàng. Qua các  phiên chợ “Đưa hàng Việt về nông thôn”, doanh số các doanh nghiệp tăng mạnh, có doanh nghiệp tăng 2 đến 3 lần. Không chỉ doanh số công ty tăng, thị trường tiêu thụ mở rộng, khi tham gia hội chợ “Hàng Việt về nông thôn” nhà sản xuất nắm được nhu cầu của người dân,  sản xuất những sản phẩm hợp nhu cầu.

Có được kết quả trên, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa, thời gian qua Bộ Công thương  đã tập trung vào những biện pháp nhằm giúp cho doanh nghiệp (DN) nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra được những sản phẩm có chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý hơn và sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường. Theo hướng đó, bên cạnh các biện pháp quản lý, điều hành một cách thường xuyên, Bộ Công thương tập trung vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch,  kế hoạch và các chương trình, đề án nâng cao năng lực trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Các doanh nghiệp cũng không ngừng thay đổi cách thức phân phối hàng hóa, triển khai nhiều hình thức phân phối mới phù hợp thị trường trong nước, triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại kích thích sức mua, từ đó từng bước thay đổi được hành vi của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt. 

  Theo các chuyên gia kinh tế, một hạn chế lớn nhất của DN Việt Nam là tuy đông về số lượng, nhưng còn yếu kém, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như của sản phẩm thấp. Hơn 90% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhiều hạn chế về tài chính, trình độ lao động, năng lực quản lý, kinh nghiệm kinh doanh,… và nhiều hạn chế khác,  như  khả  năng  nắm  bắt  cơ  hội,  linh  hoạt  trong  hoạt  động  sản  xuất. Hoạt động kinh doanh đều xuất phát từ bản thân các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của Nhà nước chưa có hiệu quả. Về quản lý giá, do thị trường nội địa còn manh mún, chắp vá, với rất nhiều tầng lớp trung gian, chưa tạo thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến lưu thông, nên giá cả hàng hóa khó có thể kiểm soát.

Nghiên  cứu  tiếp  thị  của  Công  ty Truyền  thông  Tiếp  thị Việt  Nam cho  biết, nông thôn nước ta có số lượng khách hàng sẵn sàng mua sắm gấp 3 lần thành thị. Nhiều hộ gia đình ở nông thôn đã tiêu thụ một số mặt hàng cao cấp như tivi, đài, xe máy, điện thoại…. Tuy nhiên, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam lại chưa được phủ kín ở thị trường này.Từ thực tế đó, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhìn nhận: “Để hàng hóa sản xuất trong nước đến được với người dân nơi vùng sâu, vùng xa, bản thân doanh nghiệp phải chủ động, tích cực đưa hàng tới các khu vực này thay vì cách tiếp cận còn mang tính hành chính, phong trào như hiện nay. Một vài tháng mới có một chuyến hàng về nông thôn thì không thể tạo ra được hiệu ứng tốt”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sang  giai đoạn mới, các DN cần liên kết xây dựng thị trường, tiêu thụ sản phẩm của nhau. Điều này sẽ mang nhiều lợi ích cho DN. Vì nếu có một nhóm  DN có sản phẩm, dịch vụ bổ sung cho nhau, sản phẩm dịch vụ của DN này có thể là đầu vào, nhu cầu của DN kia. Nhóm DN đó cam kết sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau sẽ tạo ra một thị trường mới trong nội bộ nhóm, trong đó các DN tham gia đều có thể mở rộng thị phần của mình.

Còn theo Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), việc đưa hàng về nông thôn nhằm hưởng ứng chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” cần có thêm cơ chế chính sách ưu đãi DN. Trong thời gian qua, mặc dù Hapro đã đưa hàng về nông thôn, nhưng sức lan tỏa chưa cao, vì chỉ là chuyển hàng theo kiểu thời vụ khiến người dân khó tiếp cận một cách đầy đủ về hàng nội.  Để khắc phục, Nhà nước cần có cơ chế chính sách để DN phát triển hệ thống phân phối và cơ sở hạ tầng. Vì hiện nay hạ tầng thương mại ở các vùng nông thôn còn thiếu và yếu. Nếu củng cố phát triển được hệ thống này không chỉ giúp người dân dễ tiếp cận hàng nội mà còn giúp DN giảm được chi phí vận chuyển, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sổ tay phóng viên: Doanh nghiệp Việt hưởng lợi từ cuộc vận động
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO