Sổ tay phóng viên: Cuộc chiến với hàng xa xỉ

H.Loan 15/01/2011 07:37

Theo thống kê của Bộ Công thương, trong tổng kim ngạch nhập khẩu 84 tỷ USD năm 2010, Việt Nam đã nhập tới 4,93 tỷ USD những mặt hàng thuộc nhóm cần kiểm soát nhập khẩu. Đặc biệt, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu như hàng tiêu dùng, hàng trong nước đã sản xuất được, hàng xa xỉ…, Việt Nam vẫn phải nhập tới 5,7 tỷ USD, tăng 14,2%. Còn theo con số của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ vẫn lên tới 10 tỷ USD, trong đó có tới 9 tỷ USD dành để nhập rượu ngoại, thuốc lá, đồ trang sức, điện thoại… Đây là những con số biết nói, dù nhập siêu năm 2010 được xem là đạt được kế hoạch đề ra.

Xài hàng ngoại, hàng xịn là nhu cầu chính đáng của một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao, tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với tâm lý sính ngoại ngày một tăng mạnh. Trên thực tế, Nhà nước không cấm các nhu cầu này, nhưng với nỗ lực kiềm chế nhập siêu trong bối cảnh nền kinh tế luôn căng thẳng ngoại tệ và lo ngại bất ổn từ thâm hụt thương mại, nhiều biện pháp, hàng rào ngăn chặn đã được đặt ra. Kết quả nhập siêu chung đã giảm xuống, nhưng tỷ lệ nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ không giảm mà vẫn có xu hướng tăng đều.

Theo TS Lê Đăng Doanh, có thể mạnh tay hơn bằng cách áp mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao, hoặc sử dụng các biện pháp khác không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) như thủ tục hành chính thuế, hải quan ngặt nghèo hơn. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cũng đề xuất với Chính phủ cho phép sử dụng đồng ngoại tệ khác thay thế đồng USD. Có thể ngay trong năm 2011 cho phép dùng đồng euro, bảng Anh, nhân dân tệ, đồng yên để nhập khẩu hàng hóa xa xỉ từ các nước này, nhằm giảm tình trạng căng thẳng ngoại tệ, kiềm chế nhập siêu.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là giải pháp giải quyết được phần ngọn, vừa khó cho NHNN khi phải có lượng dự trữ ngoại tệ đủ với loại ngoại tệ thay thế. Giải pháp này từng được NHNN đưa ra nhiều lần, nhưng vẫn chưa có những công cụ cụ thể để thực hiện như xây dựng lại quyền số rổ ngoại tệ, hệ thống tài khoản tại các ngân hàng… Có ý kiến cho rằng, giải pháp tạm thời là vẫn dùng USD làm đồng tiền trung gian quy đổi, chẳng hạn nhà nhập khẩu – xuất khẩu có thể thỏa thuận đến ngày thanh toán, căn cứ vào tỷ giá USD/VNĐ, USD/yen để quy đổi. Nhưng đồng nghĩa với đó là việc tiếp tục neo VNĐ vào đồng tiền khác không phải USD, đây cũng là bất cập cần tính tới. Bởi thế, trước mắt theo các chuyên gia, NHNN cần có cơ chế phối hợp với Bộ Công thương đưa ra hàng rào về tài chính, kỹ thuật để giảm bớt lượng hàng nhập khẩu xa xỉ.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu áp dụng “khéo” vẫn có thể hạn chế hàng xa xỉ bằng các công cụ thuế mà không vi phạm cam kết WTO. Vì theo quy định của WTO, nếu việc nhập khẩu quá nhiều một mặt hàng nào đó, ảnh hưởng đến cán cân thanh toán, thì có quyền áp dụng các hình thức hàng rào để ngăn chặn. Bà Lan cho rằng, cần tham vấn đầy đủ để xây dựng những hàng rào thuế quan như vậy, tránh cảnh những chiếc xe hơi trị giá hàng triệu USD, điện thoại đắt tiền vẫn nhập về ồ ạt, trong khi đời sống nhiều người dân vẫn ở mức nghèo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sổ tay phóng viên: Cuộc chiến với hàng xa xỉ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO