Sổ tay phóng viên: Còn độc quyền, còn thiếu điện

T.Phong 13/09/2008 00:00

Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Chính phủ, sản lượng điện thương phẩm trong năm 2009 còn thiếu khoảng 1- 1,6 tỷ kwh. Cụ thể, nguồn điện thương phẩm năm 2009 được dự báo là đạt 77,1 tỷ kwh, tăng 14,5% so với năm 2008, trong khi dự kiến nhu cầu điện năng năm 2009 vào khoảng 78,1- 78,7 tỷ kwh.

      Trước đó, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của UBTVQH tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Điện lực (EVN) cho biết, tình trạng thiếu công suất đỉnh còn kéo dài. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu điện, theo EVN, là việc vận hành hệ thống điện thực tế có nhiều diễn biến bất lợi hơn nhiều so với dự liệu của EVN. Cụ thể, các dự án điện do một số doanh nghiệp nhà nước đầu tư không được vận hành đúng tiến độ, hoặc gặp phải sự cố. Nhưng bản chất của tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu trong ngành điện lại chủ yếu là do thiếu môi trường cạnh tranh. 
      Chủ trương khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án điện không phải là mới, nó có từ những năm 1990, nhưng đến nay chỉ thành công trong lĩnh vực thủy điện, hầu hết chỉ là những dự án rất nhỏ.  Hướng giải quyết nhanh nhất cho vấn đề thiếu điện là xây dựng những nhà máy nhiệt điện công suất lớn lại gặp phải một trở ngại mấu chốt: nhà đầu tư chỉ có thể bán sản phẩm của mình cho EVN, đơn vị kiểm soát gần như toàn bộ mạng lưới truyền tải và phân phối. Nhưng EVN không thể chấp nhận giá bán của nhà đầu tư vì nó thường cao hơn giá điện mà EVN đang cung cấp cho khách hàng của mình. Nhà đầu tư muốn đủ bù đắp chi phí và có lãi thì không thể hạ giá bán. Khi vấn đề đầu ra cho sản phẩm chưa được giải quyết, ai dám bỏ ra số tiền khổng lồ để xây nhà máy điện? 
      Để giải quyết tình trạng thiếu điện và tiến tới có nguồn dự phòng cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế, giải pháp tốt nhất là xóa bỏ độc quyền trong khâu phân phối và tiến tới áp dụng cơ chế giá theo thị trường. Nhưng điều kiện này không đạt được với lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh theo Quyết định số 26/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.  Theo Quyết định số 26, năm 2014 thí điểm thị trường phát điện cạnh tranh và sẽ triển khai rộng để hoàn chỉnh thị trường. Bước kế tiếp là thí điểm thị trường bán buôn cạnh tranh trong hai năm 2015-2016 và hoàn thiện vào năm 2022. Việc bán lẻ điện theo cơ chế thị trường chỉ có thể bắt đầu hình thành sau năm 2022. Như vậy, không ai dại gì bỏ ra một số tiền lớn xây nhà máy điện rồi sau đó đi cạnh tranh với nhà đầu tư khác để bán cho EVN. 
      Giải pháp cho vấn đề này nằm trong đề nghị của các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cách đây khá lâu, theo hướng nên tách EVN ra thành nhiều công ty độc lập, nhằm tạo ra nhiều công ty phân phối điện khác nhau. Đó cũng là cách tốt để hình thành thị trường điện cạnh tranh trong điều kiện các doanh nghiệp chưa thể đầu tư xây dựng mạng lưới phân phối riêng trong thời gian ngắn. Đồng thời, Chính phủ cũng nên xây dựng lộ trình áp dụng giá điện theo thị trường, vì sẽ chẳng doanh nghiệp nào dám đầu tư vào một ngành để rồi phải bán sản phẩm theo giá thấp hơn giá thành. Trước mắt, có thể áp dụng sớm cơ chế giá thị trường đối với một số trung tâm đô thị lớn, là nơi người dân có thu nhập và mức sống cao hơn các vùng khác.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sổ tay phóng viên: Còn độc quyền, còn thiếu điện
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO