Sổ tay: Mở rộng đối tượng báo cáo giao dịch đáng ngờ

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:42 - Chia sẻ
Từ năm 2013 đến tháng 9.2020, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 10.246 báo cáo giao dịch đáng ngờ (STR). Trong đó, số lượng báo cáo do các ngân hàng báo cáo chiếm khoảng 83% tổng STR; số lượng báo cáo do các công ty bảo hiểm và các đối tượng báo cáo khác chiếm khoảng 17%; nhóm đối tượng báo cáo là các công ty tài chính, trung gian thanh toán, công ty kinh doanh dịch vụ trò chơi có thưởng, sòng bạc có số lượng báo cáo còn rất hạn chế (chỉ 7 STR); nhóm đối tượng báo cáo trong lĩnh vực luật sư, công chứng, kế toán và kinh doanh bất động sản hiện chưa có báo cáo STR.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2016 - 2018, Cục Phòng chống rửa tiền đã nhận được tổng số 144.571.181 giao dịch gửi, rút tiền mặt có giá trị lớn và giao dịch chuyển tiền điền tử quốc tế được truyền file điện tử. Trong đó, các giao dịch này chủ yếu từ các ngân hàng là các tổ chức đã thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin để thực hiện truyền file báo cáo điện tử. Ngoài ra, Cục Phòng chống rửa tiền còn tiếp nhận các báo cáo gửi rút tiền mặt có giá trị lớn bằng bản giấy do đối tượng báo cáo là các tổ chức chưa thiết lập được hệ thống đường truyền để thực hiện báo cáo bằng file điện tử.

Đây là kênh thông tin vô cùng hữu ích, hỗ trợ cho các cơ quan chức năng trong hoạt động thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trong  thời  gian  này, Cục Phòng chống rửa tiền đã nhận được phản hồi từ các cơ quan chức năng liên quan đến khoảng 528 vụ việc, trong đó có 10 vụ việc đã được khởi tố vụ án, khởi tố bị can, 15 vụ việc liên quan đến thuế, hải quan; cơ quan chức năng đã truy thu hơn 400 tỷ tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Đến nay, Việt Nam đã xét xử được 3 vụ án với tội danh rửa tiền theo Điều 251, Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009; Điều 324, Bộ luật Hình sự năm 2015: Vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Vận tải Viễn Dương Vinashin (Vinashinlines); Vụ án liên quan đến đường dây đánh bạc do Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cầm đầu; Vụ án Lê Thị Hà Nội do Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử tháng 11.2019.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Luật Phòng chống rửa tiền 2012 đã quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo của các đối tượng khi thực hiện các loại giao dịch có giá trị lớn, giao dịch có dấu hiệu đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị lớn. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản áp dụng đối với tất cả các lĩnh vực và các dấu hiệu đáng ngờ đối với từng lĩnh vực: ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh trò chơi có thưởng, casino, bất động sản... 

Tuy nhiên, thực tiễn 8 năm thi hành luật này cho thấy, các hoạt động của các tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính liên quan được liệt kê chưa bao quát đầy đủ. Lý giải điều này, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, do tại thời điểm ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền khung pháp lý về một số hoạt động của các tổ chức này mới bắt đầu được xây dựng và chưa hoàn thiện. Đặc biệt, các đối tượng thực hiện các hoạt động chưa được điều chỉnh bởi luật này nhưng trong hoạt động đó có tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền như: tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức kinh doanh dịch vụ cầm đồ...

Từ thực tế này, nhiều chuyên  gia pháp  lý đề xuất, Ngân  hàng Nhà nước nên đưa vấn đề này vào lần sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống rửa tiền trong thời gian tới, theo hướng mở rộng các đối tượng cần phải báo cáo khi thực hiện giao dịch đáng ngờ, giao  dịch có giá trị lớn. 

Nguyễn Minh