Số người Việt Nam di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số

- Thứ Ba, 07/07/2020, 23:03 - Chia sẻ
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo khởi động Chương trình “Nâng cao sức khỏe người di cư Việt Nam” do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức sáng 7.7 tại Hà Nội.
Phó Tổng cục trưởng GOPFP Phạm Vũ Hoàng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phạm Vũ Hoàng cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 272 triệu người di cư trong tổng dân số hơn 7 tỷ người. Tại Việt Nam, với 96,2 triệu người, hiện là quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 15 thế giới, thứ 8 châu Á và thứ 3 trong cộng đồng ASEAN. Số người Việt Nam di cư quốc tế chiếm gần 9% dân số và di cư nội địa trong 5 năm qua (theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê) là hơn 7% dân số. Dòng di cư nội địa chủ đạo của Việt Nam là từ thành thị đến thành thị và từ nông thôn ra thành thị.

Bên cạnh đó, nước ta đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 65,4 triệu người trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi), chiếm 68,0% tổng dân số. Với số lượng dân số trong độ tuổi lao động lớn, mang đến nhiều lợi thế cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng cũng tác động rất lớn đến các dòng di cư tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội thảo

Thực tiễn cho thấy, việc di chuyển, tiếp xúc của người di cư quốc tế với nhau trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã làm gia tăng tình trạng lây lan của dịch bệnh giữa các quốc gia và trên toàn cầu. Trong khi đó, bộ phận người di cư là nhóm dân số dễ bị tổn thương cũng phải đối mặt với những vấn đề như mất việc làm, giảm lương; đặc biệt là những nguy cơ về sức khỏe và việc này đã tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã yêu cầu, phải quan tâm, đầu tư đối với nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người di cư. Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế nhìn nhận rằng, giải quyết vấn đề di cư không phải là việc riêng của một ngành nào mà cần sự phối hợp, chung tay của tất cả cấp, ngành, Trung ương và địa phương. Theo đó, cần có cơ chế phối hợp liên ngành; thành lập nhóm công tác sức khỏe người di cư; thiết kế, xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe người di cư; tăng cường khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người di cư, trong đó có dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình…

Thảo Anh