Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030

Số hóa mọi giao dịch

- Thứ Hai, 20/09/2021, 04:13 - Chia sẻ
Dự thảo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và mọi giao dịch đều được số hóa.
Kho bạc Nhà nước hướng tới hình thành kho bạc số
Ảnh: TL

Hình thành kho bạc số

KBNN đang khẩn trương lấy ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030. Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu xây dựng KBNN hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ và hướng tới hình thành kho bạc số trên cơ sở nâng cao hiệu suất hoạt động, giảm thiểu chi phí giao dịch, tự động hóa quy trình giao dịch (hồ sơ điện tử, kiểm soát điện tử)... Đến năm 2030, mọi giao dịch đều được số hóa.

Đại diện KBNN cho biết, dự thảo Chiến lược được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Giai đoạn tới, yêu cầu đổi mới của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi sự liên thông kết nối và phù hợp với các tiêu chí của thông lệ quốc tế. Vì vậy, dự thảo Chiến lược xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là cải cách, đổi mới cơ chế, chính sách đồng bộ toàn diện gắn với hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng và triển khai kiến trúc tổng thể hệ thống công nghệ thông tin phù hợp với khung kiến trúc Chính phủ điện tử. Cùng với đó, chú trọng hiện đại hóa chiến lược phát triển KBNN trên các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể (quản lý quỹ ngân sách nhà nước, huy động vốn, quản lý ngân quỹ, tổng kế toán nhà nước và báo cáo tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức bộ máy và phát triển nhân lực…).

Chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt

Mới đây, KBNN tổ chức hội nghị góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Chiến lược. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng Chiến lược nhằm đưa KBNN lên một vai trò vị thế mới trong nền tài chính quốc gia, Tổng Giám đốc KBNN Trần Quân cho rằng, trước xu hướng phát triển của Cách mạng Công nghiệp 4.0, Chiến lược cần có sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, gắn hiện đại hóa các chức năng của kho bạc với đổi mới mô hình tổ chức, hướng tới các thông lệ tốt trên thế giới. Đồng thời, lấy công nghệ thông tin là khâu đột phá, trong đó chuyển đổi số là giải pháp xuyên suốt của quá trình thực hiện.

Trên thực tế, thời gian qua, hệ thống kho bạc đã tập trung xây dựng Kho bạc điện tử theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và đạt nhiều kết quả quan trọng, làm nền tảng vững chắc để xây dựng kho bạc số. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính, trong quá trình thực hiện hình thành Kho bạc điện tử với “3 không” - không tiền mặt, không khách hàng đến giao dịch và không chứng từ, đến nay KBNN đã hoàn thành được 2 mục tiêu đầu tiên.

Cụ thể, hệ thống KBNN đã triển khai vận hành nhiều hệ thống công nghệ thông tin lớn như: hệ thống dịch vụ công trực tuyến, TABMIS, thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng, phối hợp thu với ngân hàng; kho dữ liệu; ứng dụng tra cứu số dư và trạng thái hồ sơ chi điện tử trên thiết bị di động; các ứng dụng kết xuất báo cáo; hệ thống tổng kế toán nhà nước để tổng hợp và kết xuất báo cáo tài chính nhà nước; hệ thống quản lý ngân quỹ nhà nước và quản lý trái phiếu chính phủ phát hành theo lô lớn; các hệ thống giúp hiện đại hóa hoạt động nội ngành.

Đáng chú ý, trong năm 2020, hệ thống kho bạc đã triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến đến tất cả đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh, quốc phòng). 6 tháng đầu năm nay, số lượng giao dịch chứng từ chi ngân sách nhà nước phát sinh hàng tháng trên dịch vụ công trực tuyến đạt từ 98% trở lên. Số thu, chi ngân sách nhà nước bằng tiền mặt qua hệ thống kho bạc chỉ còn chiếm tỷ lệ dưới 1%. 

Trong năm nay, KBNN đặt mục tiêu hoàn thành 11/11 thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và bổ sung 2 dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia; gia tăng các tiện ích để hỗ trợ người sử dụng; xây dựng chức năng chi lương qua dịch vụ công trực tuyến.

Hà Lan