Sinh viên ra trường thất nghiệp tăng - do đâu?

Đinh Loan 25/10/2014 08:47

Hiện nay, số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp ngày càng tăng do thiếu kỹ năng và phẩm chất nghề nghiệp... Có rất nhiều nguyên nhân được đưa ra: do chất lượng đào tạo, trình độ người học… và một nguyên nhân sâu xa là các trường đại học, cao đẳng chỉ quan tâm đào tạo cái mình có, chưa quan tâm đào tạo cái doanh nghiệp cần.

Thực tế, phương châm đào tạo nhân lực gắn kết theo nhu cầu doanh nghiệp và xã hội đã được đặt ra từ nhiều năm nay, bởi lợi ích của nó ai cũng có thể nhìn thấy. Cụ thể, nhìn từ phía doanh nghiệp, sự phát triển của doanh nghiệp phần lớn là nhờ vào nguồn nhân lực, chất lượng lao động. Khi doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo sẽ giúp họ có thêm quyền lựa chọn lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Đồng thời quảng bá hình ảnh của mình với xã hội… Về phía nhà trường, sự hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên có đầu ra vững chắc và nhất là góp phần phát hiện, phát triển và trọng dụng nhân tài cho doanh nghiệp, giảm thiểu tiêu cực và kém hiệu quả trong hoạt động giáo dục. Phía sinh viên sẽ chủ động điều chỉnh nhận thức, nâng cao động lực và kiến thức, kỹ năng chuyên môn và thực tiễn cuộc sống, tăng cơ hội tìm việc và giảm thiểu những phí tổn học hành cả về tài chính, thời gian và tâm sức…

Tuy nhiên, hiện nay, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng chưa thực sự gắn kết. Cụ thể, nhà trường chỉ đào tạo cái mình có, theo chương trình của mình, mà chưa chú trọng đến nhu cầu thị trường, nhu cầu từng ngành nghề mà doanh nghiệp cần trong thực tiễn hiện tại và tương lai. Nói cách khác, các cơ sở đào tạo chưa biết những sản phẩm là người lao động khi ra thị trường có được chấp nhận hay không... Thế mới dẫn đến chuyện, có những chuyên ngành vẫn đào tạo mà không hề biết xã hội đã không còn cần đến. Đơn cử có những trường hợp học sửa điện cho ắc quy ô tô thế nhưng đi xin việc tại công ty ô tô mới biết, hiện nay bộ phận đó nếu hỏng sẽ được thay mới chứ không cần thợ sửa chữa.

Nguồn: vietnamplus.vn
Nguồn: vietnamplus.vn
Về phía doanh nghiệp không ít nơi tỏ ra thờ ơ với hoạt động dạy nghề. Nếu có nhu cầu về lao động, họ chỉ tổ chức ứng tuyển các lao động đạt yêu cầu mà không chịu tổ chức đào tạo hay bỏ chi phí liên kết với cơ sở dạy nghề để đào tạo nghề cho lao động. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp không chịu tiếp nhận nhà giáo, học sinh, sinh viên từ các cơ sở dạy nghề đến thực hành, thực tập, nâng cao tay nghề, kể cả trong trường hợp đã có sự thỏa thuận trước với các cơ sở dạy nghề.

Hệ lụy của sự thờ ơ này đổ lên đầu những sinh viên mới ra trường. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao do chất lượng không bảo đảm yêu cầu của doanh nghiệp. Dẫu cơ hội công việc không phải là ít. Đơn cử như theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong tháng 6, thị trường lao động thành phố có nhu cầu tuyển dụng 20.000 nhân lực. Tuy nhiên, theo các nhà tuyển dụng, việc tuyển dụng lực lượng này rất khó bởi nguồn cung lao động không đáp ứng được những nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Không ít sinh viên giỏi ra trường cũng phải mất một khoảng thời gian mới thực sự quen với công việc được giao.

Theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp và khu chế xuất TP Hồ Chí Minh, để giải quyết vấn đề này, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và nhà máy (tức doanh nghiệp). Về phía nhà trường cần chủ động tìm cách thiết lập mối liên kết thường xuyên thể hiện thành hợp đồng đào tạo với các doanh nghiệp để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng đúng yêu cầu của doanh nghiệp, chất lượng không ngừng được nâng cao theo yêu cầu phát triển của thực tiễn sản xuất kinh doanh.

Về phía doanh nghiệp có thể tham gia với nhà trường trong việc xây dựng mục tiêu, chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo; quảng bá, định hướng nghề nghiệp; tham gia đánh giá chất lượng sinh viên tốt nghiệp. Nhờ vậy, các chương trình đào tạo của các trường thường xuyên cập nhật được các tiến bộ khoa học và công nghệ mà sản xuất đang áp dụng, tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp có cơ hội tìm được việc làm. Có thể nói trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp là nơi phản ánh chất lượng đào tạo của các trường đại học.

Các hình thức hợp tác có tính khả thi và phổ biến cao là nhà trường cung cấp cho doanh nghiệp những sinh viên tốt nghiệp chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo chuyên sâu và ngắn hạn, cũng như đào tạo chính quy dài hạn theo hợp đồng đặt hàng có quy định nội dung, thời gian và kinh phí cần thiết cụ thể, linh hoạt. Ngoài ra, hai bên có thể hợp tác về trao đổi và tiếp nhận chuyên gia, cố vấn, sinh viên thực tập và các hoạt động và dịch vụ khoa học, ứng dụng triển khai và tư vấn khác…

Mới đây, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo Hợp tác toàn diện và phát triển bền vững với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp. Mục đích của hội thảo là dịp để nhà trường lắng nghe ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp về sản phẩm đào tạo của mình, đặc biệt là những kiến thức, kỹ năng mà sinh viên của trường trong quá trình làm việc tại các doanh nghiệp bộc lộ những khiếm khuyết. “Đây là cơ hội để nhà trường và doanh nghiệp hiểu nhau hơn về khả năng đáp ứng nhu cầu của nhau, tiến tới xây dựng một kế hoạch chung cho sự hợp tác trên nhiều lĩnh vực” – Ts Ngô Văn Thuyên, Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Có thể nói, đây là hoạt động mà các cơ sở đào tạo nên và cần chủ động phát huy hơn nữa để đôi bên cùng hiểu, chia sẻ, tạo điều kiện cho nhau.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sinh viên ra trường thất nghiệp tăng - do đâu?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO