Sinh kế cho đồng bào Hướng Hóa

DIỆP ANH 19/04/2017 08:09

Được sự hỗ trợ của Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, nhiều thôn, xã trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS với việc trồng gừng… Việc tìm được đầu ra ổn định, giá cả được cam kết thu mua cao hơn giá thị trường đã và đang góp phần giúp cho nhiều hộ gia đình của huyện miền núi này xóa đói, giảm nghèo.

Giá trị hơn cây ngắn ngày khác

Thôn A Xóc (xã Hướng Lập) những ngày giữa tháng 4 nhộn nhịp, tất bật hơn thường lệ. Gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt, ông Hồ Văn Năng kể: Trước đây, gia đình ông trồng nhiều loại cây, song không có cây nào là chủ lực, thu nhập thấp. Gần 1 năm nay được tư vấn và hỗ trợ từ Dự án trồng gừng, ông mạnh dạn trồng thử nghiệm trên diện tích hơn 1 sào đất bồi ven sông. Sau gần 10 tháng trồng và không mất nhiều công chăm sóc hiện vườn gừng đã cho thu hoạch. Theo ông Năng, với diện tích và giá gừng hiện tại, vụ gừng này trừ chi phí cho thu nhập hơn 2,5 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng các loại cây khác trước đây.

Kiểm tra, cân gừng giúp người dân A Xóc chuẩn bị xuất bán Ảnh: Khánh An
Kiểm tra, cân gừng giúp người dân A Xóc chuẩn bị xuất bán  Ảnh: Khánh An

Cũng như ông Năng, chị Hồ Thị Me (thôn A Xóc) chia sẻ, gừng là cây dễ trồng và dễ chăm sóc nên rất thích hợp với trình độ canh tác của đồng bào miền núi. Với năng suất bình quân khoảng 2 - 2,5 tấn/sào, trồng trong thời gian 6 - 7 tháng, giá gừng tươi dao động khoảng 20 nghìn đồng/kg. Mỗi vụ gừng có thể đem lại nguồn thu từ 35 - 40 triệu đồng, hơn rất nhiều trồng các loại cây khác trên cùng thời gian và diện tích đất… Chị Me vui mừng: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển diện tích trồng gừng và xem đây là một trong những cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo của gia đình.

Vội đóng những bao gừng cho lên bàn cân, chị Hồ Thị Na cho biết, những địa phương khác không có dự án hỗ trợ nên rất khó tìm đầu ra cho sản phẩm. Còn ở thôn A Xóc, Dự án đã hỗ trợ và tìm đầu ra nên chúng tôi rất phấn khởi vì đã bán được sản phẩm. ‘‘Tôi mong sau này Dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ, mở rộng thêm để chúng tôi phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo’’ - chị Na chia sẻ.

Không giấu nổi niềm vui, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Nguyễn Ngọc Khả cho biết: Với lợi thế về chất đất và khí hậu, A Xóc là một trong 2 địa phương của huyện Hướng Hóa được Dự án phát triển sinh kế thuộc Tổ chức Tầm nhìn Thế giới hỗ trợ trồng gừng nguyên liệu. Hiện, thôn có 28 hộ dân tham gia trồng gừng. Trong đó, có hộ còn đầu tư hết đất diện tích hiện có để trồng gừng, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi vụ…

Tiếp tục hỗ trợ, mở rộng

 Xây dựng chuỗi sản xuất khép kín cho nông dân, nhất là đồng bào DTTS là một trong những cách làm rất tốt trong sản xuất nông nghiệp. Vì mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất cao mà còn hạn chế được những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp do giá cả nông sản bấp bênh. Hướng Hóa sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất khép kín với nông dân có được những chính sách ưu đãi tốt nhất…

Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa LÊ QUANG THUẬN

Thực tế, với thế mạnh đất đỏ bazan rất phù hợp với cây gừng, năm 2016 người dân ở các xã Hướng Tân, Hướng Lập, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa) đã được Công ty Đầu tư Dragon Việt Nam cung cấp miễn phí giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, phát triển bền vững. Ban đầu vùng nguyên liệu được xây dựng khoảng 30ha, cộng thêm diện tích gừng dân trồng ngoài dự án 50ha, tất cả có 80ha gừng… Trưởng phòng NN - PTNT huyện Nguyễn Ngọc Khả cho biết: Qua kiểm tra, nghiệm thu mùa đầu tiên thì cây gừng trồng ở huyện cho năng suất, chất lượng tốt hơn nhiều nơi khác. Sau khi khảo sát và kết quả thực tế của vụ trồng gừng đầu tiên, huyện đã quy hoạch để đưa diện tích trồng gừng của bà con lên gần 100ha.

Để việc trồng gừng mang lại hiệu quả, Dự án phát triển sinh kế đã phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng gừng để xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Cùng với đó, các công ty liên kết cũng ký cam kết thu mua tại chỗ toàn bộ sản phẩm gừng của nông dân với giá hợp lý. Theo Phó Giám đốc Công ty Đầu tư Dragon Việt Nam Đỗ Văn Hiệp, Công ty có những bạn hàng lớn về sản phẩm chế biến từ gừng nên mỗi năm tiêu thụ vài nghìn tấn nguyên liệu cho nông dân. Công ty trực tiếp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân qua từng nhóm hộ sản xuất theo sự gắn kết giữa “bốn nhà”.

Còn theo Điều Phối viên Dự án phát triển sinh kế thuộc Tổ chức Tầm nhìn Thế giới huyện Hướng Hóa Phan Văn Chiến: Trong năm 2017, dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ và mở rộng trồng gừng nguyên liệu đến 18 nhóm sản xuất thuộc 6 xã vùng Bắc Hướng Hóa. Thông qua hỗ trợ về giống, kỹ thuật, liên kết bao tiêu sản phẩm gừng, dự án hướng đến mục đích giúp người dân vùng khó lựa chọn được loại cây trồng chủ lực phù hợp với từng địa phương để xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần phát triển KT - XH của địa phương.Thực tế, mô hình liên kết bao tiêu, đầu ra cho sản phẩm gừng tươi đang được thực hiện tại Hướng Hóa không chỉ mang lại hiệu quả sản xuất mà còn hạn chế những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh chia sẻ: Huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các công ty làm việc trực tiếp với nông dân, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu nhằm góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho nông dân thông qua việc liên kết bao tiêu đầu ra cho sản phẩm gừng tươi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sinh kế cho đồng bào Hướng Hóa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO