Chính trị

Sinh hoạt nghị trường dân chủ, tập trung và chất lượng

Thanh Hải 16/05/2025 19:03

Mỗi cơ quan, cá nhân và từng đại biểu Quốc hội đều cần nỗ lực, nêu cao trách nhiệm để sinh hoạt nghị trường được thực hiện dân chủ, tập trung và chất lượng.

pctqh-nguyen-duc-hai1.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Tổ, chiều 16/5. Ảnh: Hồ Long

Cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải nêu rõ quan điểm

Phát biểu tại Tổ 5 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và Bình Dương, các ĐBQH đều tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2022 để bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật, nghị quyết của Quốc hội mới được ban hành, giúp triển khai hiệu quả, thông suốt hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, trong sinh hoạt nghị trường phải tôn trọng các quyền của đại biểu Quốc hội được quy định tại Nội quy kỳ họp về nội dung, thời gian, thứ tự phát biểu.

Về nội dung phát biểu, do đã có gợi ý một số vấn đề thảo luận liên quan đến dự án luật, nghị quyết, nên để đảm bảo chất lượng phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, mỗi đại biểu cần bám sát gợi ý thảo luận của cơ quan trình, cơ quan thẩm tra để tránh phát biểu tản mạnh, chỉ tập trung vào những vấn đề đã chắt lọc.

Cùng với nỗ lực của đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp để rà soát kỹ càng, không để sót ý kiến nào của đại biểu mà không được giải trình, tiếp thu. Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết có thể dài nhưng bảo đảm tiếp thu từng ý kiến của đại biểu, nêu rõ vấn đề này sẽ được tiếp thu như thế nào, hay giải trình nếu thấy ý kiến của đại biểu chưa hợp lý.

to0501.jpg
Toàn cảnh thảo luận tại Tổ 5, chiều 16/5. Ảnh: Hồ Long

Để bảo đảm chất lượng các hoạt động của Quốc hội trong kỳ họp, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị tài liệu, đặc biệt vụ tham mưu, giúp việc trực tiếp phải rất chú ý thực hiện nhiệm vụ, công việc được giao. Bởi, dù chúng ta áp dụng trí tuệ nhân tạo, nhưng trong công việc này không gì có thể thay thế tư duy của những người chuẩn bị báo cáo, tài liệu về dự án luật, nghị quyết. Các ý kiến của đại biểu phải được tiếp thu, giải trình đúng trọng tâm, đúng nội dung, và đúng vào ý phát biểu của đại biểu, tránh để sót hoặc lạc nội dung, đại biểu nói vấn đề này nhưng lại giải thích vấn đề khác.

Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các tờ trình, báo cáo thẩm tra phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, không lan man. Với những vấn đề còn ý kiến khác nhau, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra phải nói rõ quan điểm của mình, nhất là với cơ quan thẩm tra. Đặc biệt, các tài liệu trong hồ sơ dự án luật, nghị quyết phải được gửi đến đại biểu Quốc hội đúng thời hạn được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.

Về vấn đề thời gian phát biểu lần thứ nhất của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thời gian phát biểu cần được quy định phù hợp vì các bài phát biểu đều được chuẩn bị rất công phu. Đồng thời, tùy theo tình huống cụ thể của phiên thảo luận, Đoàn Chủ tịch điều hành sẽ linh hoạt và có sự điều chỉnh thời gian phát biểu phù hợp. Nếu số lượng đại biểu đăng ký không nhiều thì có thể cân đối thời gian để đại biểu được phát biểu hết 7 phút, qua đó thể hiện hết quan điểm, lập luận. Nhưng, nếu có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu thì sẽ ưu tiên phương án giúp nhiều đại biểu Quốc hội có thể phát biểu được nhất.

“Trong những tình huống cụ thể, Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp đều tôn trọng quyền đăng ký phát biểu của đại biểu Quốc hội bằng việc xin phép Quốc hội cho thay đổi thời gian phát biểu, nhất là các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, dự án luật quan trọng luôn có nhiều đại biểu đăng ký phát biểu”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Dự thảo Nghị quyết đã sửa đổi, bổ sung điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 18 theo hướng “căn cứ nội dung và tình hình thảo luận thực tế, Đoàn Chủ tịch có thể mời đại biểu Quốc hội phát biểu không theo thứ tự đăng ký”.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các đại biểu Quốc hội có quyền như nhau trên hội trường, song đại biểu cũng đại diện cho cử tri, người dân của các vùng miền trên cả nước. Do đó, thứ tự phát biểu nên để Đoàn Chủ tịch chủ động, linh hoạt điều hành phù hợp tình huống cụ thể của từng phiên họp.

“Tinh thần là bảo đảm theo thứ tự đăng ký để thực hiện đúng quyền đăng ký của đại biểu Quốc hội. Nhưng trong trường hợp có những vấn đề lớn, cần chuyên môn sâu, phản ánh nguyện vọng của vùng miền… Đoàn Chủ tịch cân nhắc lựa chọn thứ tự phát biểu phù hợp”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, bên cạnh tuân thủ nghiêm Nội quy kỳ họp, các cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan và mỗi đại biểu đều cần nỗ lực, nêu cao trách nhiệm để sinh hoạt nghị trường được thực hiện dân chủ, tập trung và chất lượng.

Trí tuệ nhân tạo sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho đại biểu

Tại khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 Nội quy kỳ họp hiện hành đã quy định rõ “đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tham gia đầy đủ các kỳ họp, phiên họp Quốc hội, tập trung nghiên cứu, tham gia thảo luận, góp ý kiến vào các nội dung của kỳ họp Quốc hội và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thực hiện hiệu quả hoạt động của đại biểu, các hoạt động trong kỳ họp Quốc hội, thường xuyên tương tác với cử tri và kịp thời thông tin đến cử tri và Nhân dân về hoạt động của đại biểu và Quốc hội tại kỳ họp.”

z6608108788978_ce97b3cfa43546c115720475630036ae(1).jpg
ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

Tán thành với sửa đổi, bổ sung này tại dự thảo Nghị quyết, ĐBQH Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng, việc bổ sung quy định yêu cầu đại biểu Quốc hội tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ là rất cần thiết, phù hợp với xu thế toàn cầu và yêu cầu của công cuộc chuyển đổi số đang được Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong khu vực công, bao gồm cả hoạt động lập pháp, là xu hướng không thể đảo ngược. Việc ứng dụng AI không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công việc mà còn góp phần đổi mới phương thức làm việc, tinh gọn quy trình, tăng tính minh bạch và tương tác với người dân. Trên thực tế, việc đưa AI vào hoạt động nghị trường không phải là điều mới mẻ, mà đã và đang được nhiều nước thực hiện hiệu quả tại Anh, Canada, Hàn Quốc, Estonia…

Để quy định này thực sự đi vào cuộc sống, đại biểu Triệu Thị Huyền đề nghị, cần ban hành hướng dẫn cụ thể về việc ứng dụng AI trong hoạt động Quốc hội, có thể dưới hình thức nghị quyết hoặc văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đảm bảo thống nhất trong tổ chức thực hiện.

to0502.jpg
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) phát biểu tại Tổ. Ảnh: Hồ Long

Đồng thời, phát triển một nền tảng công nghệ dùng chung, tích hợp công cụ trợ lý AI để phục vụ đại biểu trong các hoạt động như tra cứu văn bản, xây dựng nội dung phát biểu, theo dõi tiến độ lập pháp… Bảo đảm an toàn thông tin và quyền riêng tư trong quá trình triển khai ứng dụng AI, nhất là khi tương tác với cử tri qua môi trường số. Tăng cường hơn nữa đầu tư cho hạ tầng công nghệ và nhân lực, đặc biệt là nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho Văn phòng Quốc hội để có thể vận hành hệ thống một cách hiệu quả, an toàn…

“Nếu được triển khai đồng bộ và bài bản, trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp đại biểu Quốc hội nâng cao chất lượng thảo luận, quyết định và đại diện cử tri một cách hiệu quả hơn, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một Quốc hội hiện đại, đổi mới, chuyên nghiệp và gần dân”, đại biểu tin tưởng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sinh hoạt nghị trường dân chủ, tập trung và chất lượng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO