Giáo dục trải nghiệm tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Sinh động và gần gũi

- Thứ Tư, 05/05/2021, 06:32 - Chia sẻ
Những tài liệu, hiện vật của Bảo tàng Hồ Chí Minh trở thành giáo cụ trực quan sinh động giúp các em học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) tìm hiểu kiến thức văn hóa, lịch sử theo một hình thức mới. Cùng với nhiều trò chơi trải nghiệm, học sinh được tăng cường kỹ năng thuyết trình, tư duy, học tập theo nhóm, tăng cường khả năng vận động… Đây là cách làm không mới, song được Bảo tàng Hồ Chí Minh vận dụng linh hoạt, góp phần phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thế hệ học sinh ngày nay.

Cuối tháng 4 vừa qua, chương trình giáo dục trải nghiệm mang tên “80 mùa hoa - Đội ta tiến lên” đã được khởi động tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Phạm Thị Thanh Mai, chương trình được thực hiện với mục đích tạo sân chơi sáng tạo, tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với bảo tàng, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về lịch sử Đội, về sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thiếu niên, nhi đồng và tình cảm của thiếu niên, nhi đồng với Bác Hồ kính yêu.

Chương trình giáo dục trải nghiệm “80 mùa hoa - Đội ta tiến lên” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

Ngay khi đến Bảo tàng Hồ Chí Minh, các em học sinh lớp 3E, Trường Tiểu học Chu Văn An đã tỏ ra thích thú khi lần đầu tiên được tiếp xúc bản thảo “5 Điều Bác Hồ dạy”, được đọc và giới thiệu bản thảo “Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu niên, nhi đồng nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội 15.5.1961”…; tìm hiểu lịch sử, truyền thống, nhiệm vụ và các phong trào của Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh từ khi thành lập... Đây là những giáo cụ trực quan sinh động, giúp các em bổ sung, gắn kết nội dung kiến thức và các câu chuyện lịch sử với các bài học chính khóa tại nhà trường.

Các trò chơi sau đó cũng được học sinh hưởng ứng rất tích cực, từ góc trải nghiệm Làm mũ ca lô, Em làm liên lạc, đến các trò chơi vận động liên hoàn như nhảy sạp, dấu ấn trải nghiệm. Bà Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An, chia sẻ, chương trình đã tạo sân chơi hấp dẫn, bổ ích, học mà chơi, chơi mà học, cho các em trong học tập văn hóa, lịch sử, khơi gợi ý thức tự hào về truyền thống cha ông, góp phần tăng cường các kỹ năng xã hội, kỹ năng thuyết trình, tư duy, làm việc, học tập theo nhóm, tăng cường khả năng vận động, tạo sự linh hoạt cho các em trong học tập và lao động. “Các hoạt động cũng nhằm nâng cao hiểu biết cho học sinh, giúp các con thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy; khơi lên niềm vinh dự, tự hào cho đội viên, thiếu niên, nhi đồng khi được đứng trong hàng ngũ của Đội”.

Bà Phạm Thị Thanh Mai cho biết thêm, các bài học, câu chuyện, trò chơi của chương trình được xây dựng gần gũi, phù hợp với lứa tuổi, trình độ nhận thức của học sinh tiểu học, để khi đến bảo tàng, các em có thể tiếp nhận kiến thức một cách tốt nhất. Quá trình xây dựng chương trình, bảo tàng đã liên hệ với một số trường trên địa bàn Hà Nội, như Trường THCS Thực nghiệm quận Ba Đình, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân... để tìm hiểu tâm lý, nguyện vọng, sở thích của các em.

“Các trường học hãy đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh để cùng phối hợp giáo dục kỹ năng, giáo dục kiến thức cho các em học sinh với các hình thức trực quan, sinh động. Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin từ phía nhà trường để hoạt động giáo dục hiệu quả và phù hợp nhất. Học sinh sẽ là một trong những đối tượng tiềm năng mà chúng tôi hướng đến”, bà Phạm Thị Thanh Mai cho hay.

Bảo tàng Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch chuẩn bị cho chương trình giáo dục trải nghiệm này từ cuối năm 2020, đón đầu sự kiện kỷ niệm 80 thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Trưởng phòng Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh, cho biết: “Những nội dung kiến thức trong chương trình có thể các em đã được giảng dạy trong nhà trường nhưng khi đến bảo tàng các em được tiếp thu dưới một hình khác, cách tiếp cận khác, giúp nhớ sâu, nhớ lâu kiến thức lịch sử, văn hóa”. 

Trước chương trình giáo dục trải nghiệm “80 mùa hoa - Đội ta tiến lên”, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thực hiện nhiều nội dung trải nghiệm, khám phá theo chủ đề khác cho các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội. Như trải nghiệm không gian xứ Huế, đưa các em tìm hiểu các điệu hò Huế, các câu chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ. Hay trải nghiệm không gian xứ Nghệ, thiết kế xoay quanh các câu chuyện về tuổi thơ và quê hương xứ Nghệ, nơi Bác sống trong làn điệu dân ca, những câu hò ví dặm từ thuở ấu thơ. Bảo tàng đã mời nghệ nhân hát ví phường vải Kim Liên đến biểu diễn, hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu nét độc đáo và tinh tế của điệu hát ví dặm, nghe những giai điệu ấm tình quê mà Bác Hồ còn thương nhớ mãi trước lúc đi xa…  

Hầu hết chương trình giáo dục trải nghiệm do Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng đều được học sinh hưởng ứng và tham gia tích cực. Qua chương trình, các em được học hỏi và lĩnh hội nhiều điều bổ ích, thêm tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng và những truyền thống quý báu của dân tộc, thêm hứng thú với môn học lịch sử. Đây cũng chính là những điều các nhà tổ chức mong muốn.

Hương Sen