Singapore chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới

- Thứ Ba, 10/08/2021, 06:45 - Chia sẻ
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, Singapore đang từng bước thực hiện những chiến lược cụ thể để dần nới lỏng các biện pháp hạn chế xã hội, chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới vào tháng 9 tới, trong đó có phục hồi nền kinh tế và mở cửa du lịch.
Nguồn: The Straits Times
Nguồn: The Straits Times

Từng bước nới lỏng các hạn chế

Vào giữa tháng 7 vừa qua, ngay sau khi Singapore đề xuất ý tưởng “sống chung với Covid-19” thì tình trạng các ca nhiễm bệnh mới bùng phát trở lại. Vì vậy quốc gia này đã nhanh chóng tái áp đặt các hạn chế và chuyển về giai đoạn hai (cảnh báo nâng cao) để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tình hình hiện tại của Singapore đã cho thấy một số dấu hiệu tích cực hơn, với các ca lây nhiễm hàng ngày đã được cách ly từ trước khi phát hiện hoặc bị nhiễm bệnh tại nhà, thay vì ở ngoài cộng đồng.

Tính đến nay, Singapore đã ghi nhận khoảng hơn 77% người dân đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19 và dự kiến trong tháng 8, 2/3 dân số sẽ tiêm đủ hai mũi. Do đó, trong bước đầu tiên của lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế của đất nước, Singapore sẽ cho phép người dân được dùng bữa tại các quán ăn theo nhóm tối đa 5 người từ ngày 10.8, nếu họ có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ. Những người chưa tiêm chủng nhưng có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước các buổi gặp mặt, sẽ được phép tham gia vào nhóm với số lượng người tối đa, tương tự đối với những người đã khỏi bệnh. Giới hạn về số lượng người trong các cuộc tụ họp xã hội sẽ được tăng từ 2 lên 5 người.

Những người đã được tiêm chủng đầy đủ cũng sẽ có thể tham gia vào các hoạt động hay sự kiện lớn mà không yêu cầu đeo khẩu trang. Theo Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Gan Kim Yong, mọi người sẽ có thể dùng bữa tại các quán ngoài trời hay quán cà phê bất kể tình trạng tiêm chủng của họ như thế nào, vì đây là những nơi không gian mở và thông gió tự nhiên, nhưng chỉ giới hạn một nhóm hai người. Nếu tình trạng nới lỏng các hạn chế xã hội vẫn ổn định và nằm trong sự kiểm soát, quy mô về các sự kiện, giới hạn sức chứa sẽ được tăng lên trong các khu trung tâm mua sắm và điểm tham quan vào ngày 19.8. Vào thời điểm đó, các công ty sẽ có thể cho phép 50% nhân viên hiện đang làm việc từ xa quay lại văn phòng.

Giai đoạn chuẩn bị này sẽ kéo dài trong khoảng một tháng từ ngày 10.8 đến đầu tháng 9, đồng thời đây cũng là giai đoạn đầu tiên trong quá trình chuyển đổi 4 bước của Singapore để trở thành một quốc gia kiên cường chống lại Covid-19. Theo kế hoạch nếu vào đầu tháng 9, khi khoảng 80% dân số có khả năng đã được tiêm chủng đầy đủ, quốc gia này sẽ sẵn sàng chuyển sang giai đoạn mà Bộ trưởng Gan Kim Young gọi là "giai đoạn chuyển tiếp A". Đây là thời điểm để nền kinh tế được mở cửa hơn nữa, với nhiều hoạt động xã hội hơn và thậm chí mở cửa du lịch, song trong quá trình mở cửa trở lại, người dân Singapore sẽ phải chuẩn bị tinh thần về sự gia tăng các ca nhiễm mới.

Tuy nhiên, ông Gan Kim Young cũng nhấn mạnh rằng, Chính phủ nước này sẽ cố gắng hết sức để giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong, do đó việc quan trọng nhất lúc này là phải tiếp tục tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt. Điều này có nghĩa là Singapore sẽ tiếp tục phân loại giữa các cá nhân theo tình trạng tiêm chủng, cùng với đó là duy trì một hệ thống kiểm tra giám sát chặt chẽ đối với khách du lịch.

Những người có thẻ đi làm từ vùng có nguy cơ nhiễm bệnh cao có thể vào Singapore nếu được tiêm phòng đầy đủ. Người lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khu vực công phải được tiêm chủng hoặc tự kiểm tra Covid-19 thường xuyên từ ngày 1.10. Hơn nữa, việc kiểm tra nước thải sẽ được mở rộng và người dân nên làm quen với việc kiểm tra định kỳ, vì nó sẽ giúp làm chậm quá trình lây lan dịch bệnh. Nếu các biện pháp này tỏ ra hiệu quả, Singapore sẽ có thể chuyển sang “giai đoạn chuyển tiếp B” trước khi đạt được trạng thái bình thường mới.

Hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hiệp định thương mại

Bên cạnh việc dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, Singapore cũng đưa ra các chính sách để giải quyết các mối quan tâm của người dân như bảo vệ sức khỏe, việc làm... đồng thời tích cực tìm kiếm các hướng đi mới nhưng vẫn bảo đảm tính cạnh tranh và an ninh của nền kinh tế, việc làm của người dân Singapore. Singapore sẽ tiếp tục đưa ra các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp chịu tác động mạnh bởi các biện pháp giãn cách tăng cường trong thời gian qua. Gói hỗ trợ JSS 800 triệu sẽ được dùng để chi trả hỗ trợ lương và chi phí thuê mặt bằng của các cơ sở phòng tập thể thao, nghệ thuật, các trung tâm đào tạo và cơ sở ăn uống. Vào hôm 23.6, gói hỗ trợ này đã được bổ sung 2,2 tỷ USD để tiếp tục hỗ trợ người lao động bị tác động do chính sách kéo dài giãn cách. Đầu tháng 7 Chính phủ cũng đã công bố bổ sung 1,2 tỷ USD để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Các gói hỗ trợ này không phải huy động từ nguồn dự trữ trước đây mà từ việc phân phối lại chi tiêu ngân sách và nguồn đi vay của nhà nước. Vào hồi tháng 5.2021, Singapore thông qua Đạo luật vay nợ của Chính phủ để đầu tư hạ tầng, cho phép Chính phủ có thể đi vay để tài trợ cho các dự án hạ tầng dài hạn, nhờ vậy mà 600 triệu USD trong khoản hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được điều chuyển từ nguồn vay cho dự án hạ tầng thoát nước và hành lang Bắc Nam. Đây là khoản vay Chính phủ đầu tiên kể từ 40 năm qua để chi trả cho các dự án hạ tầng và các biện pháp hỗ trợ phòng chống dịch.

Đầu tháng 7 vừa qua, Singapore cũng vừa trình Nghị viện Đề xuất điều chỉnh phân bổ ngân sách, dự kiến trong 2021 Singapore sẽ thâm hụt khoảng 11 tỷ USD. Với vị thế là trung tâm cảng biển lớn thứ hai thế giới, Singapore đã chính thức áp dụng ứng dụng số với tên gọi DigitalPORT@SG. Ứng dụng này cho phép điều phối, lập kế hoạch và phân bổ tối ưu các nguồn lực tại cảng, nhằm đối phó với tình trạng thiếu tàu biển, thiếu container do dịch bệnh, đồng thời không những giảm thời gian tàu nằm đợi tại cảng mà còn giảm phát thải khí carbon. Khoảng 2.000 doanh nghiệp vận tải sẽ được hưởng lợi từ ứng dụng này, các tàu khi cập cảng Singapore được giảm thời gian chờ ít nhất 1 ngày so với hiện nay.

Bên cạnh đó, Singapore cũng đang nỗ lực đàm phán với nhiều đối tác như New Zealand, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản, về việc công nhận chứng chỉ vaccine của các nước, nhằm hỗ trợ việc đi lại giữa các nước được thuận lợi và dễ dàng quản lý du khách. Các cam kết kinh tế cũng được đẩy mạnh, khi Singapore tuyên bố sẽ ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào cuối năm 2021 với Liên minh Thái Bình Dương (PA).

Hiện nay, mạng lưới FTA đã giúp Singapore trở thành trung tâm thuận lợi nhất ở Đông Nam Á cho các nhà sản xuất, thương mại dịch vụ, đầu tư để làm bàn đạp ra khu vực. Sắp tới, quốc gia này sẽ chú trọng để đi sâu vào các nội dung cụ thể như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, ngân hàng số với các đối tác lớn, nhằm mở thêm các cơ hội cho doanh nghiệp Singapore.

Như Ý