Siết quản lý bán hàng đa cấp

- Thứ Năm, 29/07/2021, 06:59 - Chia sẻ
Bộ Công thương đang sửa đổi Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp. Tại tọa đàm ngày 28.7, có ý kiến cho rằng dự thảo Nghị được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa những biến tướng của mô hình này song cần tránh can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp.

 

		Ảnh minh họa
Nguồn: ITN

Tỷ lệ “hoa hồng” cá nhân tối thiểu là 20%

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 800.000 người tham gia bán hàng đa cấp. Đỉnh điểm là năm 2018 có 1,25 triệu người tham gia. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2018 - 2020, chỉ khoảng 60% số người bán hàng đa cấp có nhận hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động này. Điều đó chứng tỏ gần một nửa số người còn lại không được hưởng lợi ích gì.

Để ngăn chặn những biến tướng của hoạt động kinh doanh đa cấp, Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Dự thảo quy định: Kế hoạch trả thưởng phải bảo đảm tổng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả cho người tham gia trên cơ sở kết quả bán hàng của người đó tối thiểu bằng 20% tổng số hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác mà doanh nghiệp chi trả cho người tham gia trong một năm.

Lý giải quy định này tại tọa đàm lấy ý kiến doanh nghiệp ngày 28.7, cơ quan soạn thảo cho rằng, bản chất của bán hàng đa cấp là hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung xây dựng mạng lưới tham gia, tìm cách khiến người tham gia mua hàng để đạt thành tích, cấp bậc và hưởng hoa hồng. Vì vậy, hàng hóa chủ yếu được tiêu thụ trong mạng lưới. Do đó, cần có chính sách thúc đẩy hoạt động bán hàng của người tham gia, như bản chất của hình thức kinh doanh này.

Tuy nhiên, theo đại diện của một số doanh nghiệp, quy định cứng nhắc như vậy là can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, cho rằng, quy định tỷ lệ hoa hồng cá nhân là phù hợp song cần được giải trình cụ thể trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế. Ban soạn thảo cần làm rõ căn cứ nào để đưa ra tỷ lệ 20%; đồng thời, làm rõ mối quan hệ giữa quy định về tỷ lệ hoa hồng từ kết quả bán hàng tối thiểu 20% và quy định về tổng giá trị lợi ích kinh tế trong một năm không quá 40% doanh thu bán hàng.

Nên cho phép áp dụng hợp đồng điện tử

Cũng theo dự thảo, hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải được lập bằng văn bản dưới hình thức bản giấy. Theo bà Nguyễn Phương Hiền, Giám đốc Công ty Siberian Health Việt Nam, hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp điện tử có giá trị pháp lý và có thể thay thế hợp đồng bằng văn bản theo quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử và Luật Thương mại. Bên cạnh đó, việc xác thực nhà phân phối ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp điện tử được bảo đảm qua việc cung cấp thông tin cá nhân (căn cước công dân/hộ chiếu) và đặc biệt là tài khoản ngân hàng để nhận hoa hồng, tiền thưởng.

Thực tế cho thấy, hợp đồng điện tử đã được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như trong lĩnh vực bảo hiểm, giao thông (từ khối dân doanh) đến lĩnh vực điện lực (từ khối quốc doanh) - các lĩnh vực đòi hỏi tính bảo mật và xác thực cao cũng như có tác động lớn đối với xã hội. Vì vậy, cần cho phép doanh nghiệp sử dụng hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp điện tử với điều kiện tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam Võ Đan Mạch cho rằng, điện tử hóa các văn bản giấy là một phần quan trọng của Chính phủ điện tử, hiện đã có đầy đủ căn cứ pháp lý và thực tiễn và đang được Chính phủ tích cực triển khai rộng rãi. Do đó, Hiệp hội kiến nghị ban soạn thảo bổ sung quy định cho phép áp dụng Hợp đồng bán hàng đa cấp điện tử để tiết kiệm thời gian, nguồn lực và chi phí cho doanh nghiệp.

Tuệ Anh