“Siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm: Những trường áp dụng tỷ lệ lớn xét tuyển học bạ sẽ bị ảnh hưởng

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại cho rằng những trường đại học vốn áp dụng tỷ lệ rất lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định ràng buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, đặc biệt là các trường tốp dưới.

Những quy định mới được Bộ GD-ĐT đưa ra tại Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đang gây nhiều ý kiến tranh luận trên các diễn đàn.

Trong đó, những vấn đề được quan tâm nhiều nhất gồm việc “siết” chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh và quy định về “thang điểm chung” trong xét tuyển (cách thức quy đổi điểm xét đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo phải bảo đảm mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa, đồng thời không thí sinh nào có điểm xét vượt quá mức điểm tối đa (tính cả các điểm ưu tiên, điểm thưởng, điểm khuyến khích) và phải quy về thang điểm chung).

Ủng hộ quy định mới về xét tuyển học bạ

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại nhìn nhận, việc quy đổi điểm chuẩn các phương thức về một “thang điểm chung” có ưu điểm là giúp chúng ta dễ dàng so sánh giữa các phương thức cũng như thuận lợi trong công bố điểm chuẩn, khi mỗi ngành chỉ có một mức điểm chuẩn duy nhất.

Tuy nhiên, quy định này cũng gây nên một số trở ngại, khi các phương thức được các trường sử dụng theo thang đo, công thức quy đổi khác nhau. Đơn cử, điểm thi đánh giá năng lực của một thí sinh đạt 80/150 điểm, có trường quy đổi ra mức 26/30 điểm, nhưng có trường quy đổi ra mức 27/30 điểm. Điều này dẫn đến tình trạng “khập khiễng”, là một trở ngại, khó khăn đối với thí sinh khi so sánh giữa các trường. Có trường quy đổi cao, có trường quy đổi thấp, vô hình chung việc so sánh giữa các trường là không chuẩn với cách quy đổi như vậy.

“Tôi cho rằng quy định này được Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm đảm bảo xét tuyển công bằng, gọn nhẹ, giúp thí sinh và phụ huynh dễ theo dõi. Các trường phải tuân theo quy định chung, nhưng khi thực hiện sẽ có những thuận lợi, khó khăn như đã nêu”, ông Trung cho hay.

organizational-structure-1684830080.jpg
Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại (Ảnh: TMU)

Ông cũng đánh giá, với việc áp quy định mới này, bắt buộc các trường sẽ phải đối sánh kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển từ các phương thức xét tuyển những năm trước đã áp dụng, xem với điểm chuẩn như vậy thì kết quả học tập của các em có đảm bảo tương đồng không. Nếu tương đồng, điểm chuẩn giữa các phương thức xét tuyển của các năm trước mà trường đã công bố là hợp lý. Còn nếu có sự lệch cả về kết quả học tập của sinh viên, cũng như việc sinh viên ra trường tốt nghiệp sớm, tốt nghiệp đúng hạn hay tốt nghiệp muộn thì các trường sẽ phải điều chỉnh công thức quy đổi điểm.

“Cuối cùng, các trường vẫn sẽ phải tính toán, tổng hợp số liệu để đưa ra công thức quy đổi phù hợp với nguồn thí sinh dự kiến sẽ xét tuyển vào trường mình, làm sao đảm bảo công bằng giữa các phương thức”, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại nói.

Liên quan đến vấn đề ở phương thức xét học bạ, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh thay vì dùng điểm 3 đến 5 kỳ học như quy định hiện hành, ông Trung cho biết Trường Đại học Thương mại hoàn toàn ủng hộ quy định mới này. Theo ông, việc hạn chế thời gian theo phương thức xét tuyển sớm bằng học bạ sẽ khiến các trường đại học phải công bố điểm chuẩn theo phương thức này rất sát thời gian thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, thí sinh vẫn phải tập trung học tập tối đa và khi đó cũng đã ôn tập được nhiều.

“Các em tập trung học và ôn tập là điều tốt cho bản thân các em, bởi như mọi năm khi thí sinh đã đỗ học bạ sớm thì nhiều em bỏ bê việc học, dẫn tới kết quả thi không cao, không phản ánh được đúng năng lực. Nhưng bây giờ thí sinh tập trung hoàn toàn vào việc học, ôn tập sẽ đánh giá được năng lực thực sự của từng em, công bằng hơn với tất cả thí sinh. Bên cạnh đó khi các em nỗ lực hơn, kết quả xét tuyển thậm chí có thể tốt hơn so với việc xét học bạ”, ông Trung nói.

Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành Quy chế chính thức và triển khai các giải pháp kỹ thuật

Liên quan đến quy định ràng buộc chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo, ông Trung cho rằng những trường đại học vốn áp dụng tỷ lệ rất lớn cho phương thức xét tuyển bằng học bạ sẽ bị ảnh hưởng bởi quy định này, đặc biệt là các trường tốp dưới.

Trong khi đó, các trường đại học lớn không bị ảnh hưởng quá nhiều, bởi nếu không được xét sớm, phải chuyển thời điểm xét tuyển bằng các phương thức khác vào đợt sau cùng kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh yêu thích các trường tốp đầu vẫn sẽ lựa chọn xét tuyển.

z5942691935913-940b15133f52bc80194c1397d3c8273c-5718-8588.jpg
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Trần Hiệp)

Theo ông Trung, vấn đề ảnh hưởng lớn nhất là khi thí sinh khai báo quá nhiều phương thức, số lượng nguyện vọng cùng một thời điểm có thể xảy ra các vấn đề rủi ro về mặt kỹ thuật trong đợt xét tuyển chung toàn quốc, làm kéo dài thời gian xét tuyển.

“Việc ràng buộc chỉ tiêu như vậy thì những trường dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học tập, học bạ sẽ bị ảnh hưởng nhiều, còn trường tốp trên vẫn có thể xét tuyển các phương thức mà họ cho rằng sẽ tạo ra nguồn đầu vào chất lượng nhất, phù hợp nhất đối với các chương trình đào tạo”, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại nhìn nhận.

Ông nhấn mạnh, với các quy định mới Bộ GD-ĐT đề xuất, điều rất quan trọng với các trường là Bộ cần có quyết định ban hành Quy chế chính thức sớm và các giải pháp về mặt kỹ thuật cần được thực hiện, triển khai ngay. Nếu thời gian lấy ý kiến quá dài cũng như ban hành Quy chế quá muộn sẽ ảnh hưởng đến thí sinh và công tác xét tuyển của năm 2025.

Với các thí sinh sẽ tham gia xét tuyển đại học năm 2025, ông Trung khuyên các em không nên quá lo lắng, bởi Thông tư mới của Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm mục tiêu hướng đến kỳ tuyển sinh chất lượng hơn và đảm bảo sự công bằng cho các em. Nếu có năng lực thực sự, cơ hội của các em sẽ lớn hơn.

“Các em không nên lo lắng mà hãy tập trung vào việc học tập để đạt được kết quả cao nhất. Thí sinh vẫn nên tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT để nâng cao kết quả thi thì cơ hội của các em sẽ lớn hơn. Ngoài ra, nếu còn thời gian và điều kiện, các em có thể cân nhắc tham gia thêm 1-2 phương thức xét tuyển khác để tăng cơ hội trúng tuyển”, ông Trung cho hay.

Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước
Giáo dục

Phổ điểm thi tháng Ba Đánh giá năng lực (HSA): Điểm trung bình là 80,0/150, cao hơn năm trước

Ngày 2.4, Viện Đào tạo số và Khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố phổ điểm thi Đánh giá năng lực (HSA) tháng Ba, năm 2025. Theo đó, đến hết tháng Ba năm 2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 99,4% đăng ký của hai đợt thi này.

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Thời sự Quốc hội

Tạo điều kiện cho trường nghề đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Chiều 1.4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân
Giáo dục

Viện CFA, Hoa Kỳ trao giấy chứng nhận đối tác cho Đại học Kinh tế Quốc dân

Sáng 1.4, Viện CFA (Hoa Kỳ) đã trao giấy chứng nhận đối tác cho các chương trình đào tạo Tài chính Doanh nghiệp Chất lượng cao và Tài chính Tiên tiến của Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng đào tạo chuẩn quốc tế của nhà trường.

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ
Giáo dục

Chuyên gia đề xuất miễn trách nhiệm hình sự trước rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sáng tạo, Trường Đại học Ngoại thương đề xuất xem xét quy định miễn trách nhiệm hình sự của tổ chức, cá nhân trước các rủi ro trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với những điều kiện cụ thể.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?
Giáo dục

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ thay đổi công thức quy đổi điểm xét tuyển như thế nào?

Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, năm nay, nhà trường áp dụng thêm một tổ hợp mới gồm toán, ngữ văn và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin học cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Công thức điểm xét sẽ áp dụng theo quy tắc điểm toán nhân hệ số 3, điểm ngữ văn hệ số 1 và một trong các môn lý, hóa, sinh, tin sẽ có hệ số 2.