Chính trị

Siết chặt trách nhiệm cán bộ thanh tra, tránh bỏ lọt sai phạm

Hà Lan 08/05/2025 16:34

Chiều 8/5, thảo luận tại Tổ 8 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố Cần Thơ, Điện Biên, Trà Vinh, Cao Bằng), các ĐBQH tập trung đóng góp ý kiến về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Không đánh đồng “sai lầm” với “sai phạm”

Tại Điều 24, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định: nếu người tiến hành thanh tra, bao gồm người ra quyết định, Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn, không hoàn thành nhiệm vụ, hoặc “cố ý không phát hiện”, hoặc phát hiện sai phạm mà không xử lý, không kiến nghị xử lý hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác trong quá trình thanh tra, thì tùy theo mức độ sẽ bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường nếu gây thiệt hại.

g1.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 8

ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) đề xuất bỏ cụm từ “cố ý” tại khoản này. Lý do là rất khó chứng minh được yếu tố “cố ý” trong thực tế, dễ dẫn tới lách luật hoặc tranh cãi trong quá trình xử lý trách nhiệm. Trong khi đó, tại Khoản 2 của cùng điều luật đã có quy định rõ về trách nhiệm của cán bộ thanh tra khi để lọt sai phạm dù vô tình hay cố ý, nếu sau đó cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện vụ việc tại cùng địa điểm, nội dung thanh tra.

Tại Điều 25 dự thảo Luật quy định việc thanh tra lại có thể được tiến hành khi phát hiện “sai lầm trong việc áp dụng pháp luật” trong kết luận thanh tra. Tuy nhiên, cụm từ “sai lầm” bị đánh giá là chưa chặt chẽ về mặt pháp lý.

7a9769c3384c8a12d35d.jpg
ĐBQH Lò Thị Luyến (Điện Biên) phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, việc dùng từ “sai lầm” có thể khiến một hành vi vi phạm bị xem nhẹ hoặc hiểu thành lỗi vô ý, từ đó làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật.

“Nên thay bằng từ “sai phạm” để phản ánh đúng bản chất, đồng thời giúp làm rõ rằng đây là lỗi có thể gây hậu quả nghiêm trọng và cần được xem xét lại một cách nghiêm túc”, đại biểu đề nghị.

Nên quy định rõ chu kỳ thanh tra theo kế hoạch

Về hình thức thanh tra (Điều 19), ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) bày tỏ đồng tình với quy định về thanh tra đột xuất. Tuy nhiên, với hoạt động thanh tra theo kế hoạch, đại biểu cho rằng cần quy định rõ chu kỳ thực hiện, bao lâu thanh tra một lần, để tránh gây khó khăn cho cơ quan, đơn vị bị thanh tra nếu phải tiếp đón đoàn quá thường xuyên.

d1.jpg
ĐBQH Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu cũng chia sẻ thực tế từng tiếp đoàn giám sát hoạt động của đoàn thanh tra và đặt vấn đề: “Phải chăng chúng ta chưa thực sự tin tưởng vào đoàn thanh tra?”. Theo đại biểu, khi quyết định thành lập đoàn thanh tra, cần bảo đảm lựa chọn những người có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức, tránh thiết lập thêm một lớp giám sát nữa.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng cho rằng không nên quy định nội dung tại khoản 3 Điều 59 về việc cho phép cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ nâng cao năng lực thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất, khen thưởng…

Thanh tra là nhiệm vụ khó khăn, vất vả, cán bộ thanh tra xứng đáng được hưởng chế độ đãi ngộ, nhưng Nhà nước cần cấp đủ kinh phí, phương tiện, điều kiện làm việc để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ, thay vì trích lại từ nguồn kinh phí này, đại biểu nhấn mạnh.

Bổ sung chế tài thực thi kết luận thanh tra

Góp ý với dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đề nghị khoản 6, Điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra, cần bổ sung cụm từ “làm thay đổi, sai lệch thông tin” ngay sau cụm “không đầy đủ” để làm rõ hơn nội hàm của quy định.

Cụ thể, nội dung được đề xuất chỉnh sửa như sau: “6. Không cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cung cấp không kịp thời, không đầy đủ làm thay đổi, sai lệch thông tin, không trung thực, thiếu chính xác; chiếm đoạt, tiêu hủy tài liệu, vật chứng liên quan đến nội dung thanh tra”.

b1.jpg
ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) phát biểu tại phiên thảo luận

Theo ĐBQH Đào Chí Nghĩa, dự thảo Luật cần bổ sung các quy định về biện pháp chế tài nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra.

Bởi thực tế cho thấy, không ít vụ việc dù đã được thanh tra và kết luận rõ ràng, nhưng việc tổ chức thực hiện còn chậm trễ, đặc biệt trong khâu xử lý sai phạm, xử lý cán bộ vi phạm hay thu hồi tài sản, kinh tế thất thoát. Việc kiểm tra, giám sát và áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, nội dung này hiện chưa được quy định cụ thể trong Điều 55 của dự thảo Luật, do đó cần được xem xét bổ sung.

Ngoài ra, theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, tại Kỳ họp thứ Chín đang diễn ra, cùng với việc xem xét dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Quốc hội tiến hành sửa đổi một số luật có liên quan đến công tác thanh tra.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các văn bản luật liên quan để đề xuất bãi bỏ hoặc sửa đổi những quy định trùng lặp, không còn phù hợp, bảo đảm tính thống nhất với các nội dung mới trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Siết chặt trách nhiệm cán bộ thanh tra, tránh bỏ lọt sai phạm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO