Siết chặt thủy điện nhỏ

- Thứ Tư, 30/12/2020, 07:05 - Chia sẻ

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có công trình thủy điện. Theo đó, Bộ Công thương đề nghị các tỉnh, thành phố tạm dừng đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng. 

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn tỉnh, kiên quyết loại ra khỏi quy hoạch đối với các dự án không bảo đảm hiệu quả kinh tế, có chiếm dụng rừng tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường.

Thực tế cho thấy, thủy điện nói chung, thủy điện nhỏ nói riêng thời gian qua đã có những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy vậy, trong quá trình triển khai, vận hành các nhà máy thủy điện, trong đó có thủy điện nhỏ do đánh giá tác động, kiểm tra, kiểm soát chưa chặt chẽ đã phát sinh những tác động tiêu cực. Câu chuyện xảy ra tại Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) trước đây là một ví dụ.

Tồn tại này đã được Quốc hội chỉ rõ trong Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện. Đó là tại một số công trình thủy điện, việc quản lý chất lượng xây dựng, bảo đảm an toàn vận hành khai thác, thực hiện quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, gây tác động tiêu cực. Rừng, đất rừng được chuyển đổi mục đích phục vụ công trình thủy điện chưa được quản lý chặt chẽ, có nơi còn hiện tượng lợi dụng khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép. Trên cơ sở đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố kiên quyết loại bỏ, dừng các dự án, công trình thủy điện không hiệu quả, không bảo đảm an toàn, có ảnh hưởng xấu tới chế độ dòng chảy, môi trường và đời sống người dân.

Tại diễn đàn Quốc hội, Kỳ họp thứ Mười vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những tác động tích cực của thủy điện, việc triển khai thủy điện đã bộc lộ những tác động tiêu cực. Đặc biệt, trong giai đoạn trước đây, nhiều dự án thủy điện của chúng ta chiếm dụng đất rừng tự nhiên và đã gây tác động đến môi trường, đất, nước và khí hậu cũng như đời sống dân sinh. Bộ trưởng cho rằng, mặt tích cực hay hạn chế của thủy điện tùy thuộc vào quản lý và các chính sách để xử lý các vấn đề liên quan.

Phải khẳng định rằng, thủy điện không có lỗi. Thủy điện nhỏ cũng không có lỗi. Điều quan trọng là chúng ta quản lý và khai thác như thế nào để các dự án thủy điện phát huy được hiệu quả. Nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thiểu những tác động tiêu cực, thì việc triển khai dự án thủy điện, trong đó có thủy điện nhỏ cần phải siết chặt hơn về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như vận hành, khai thác.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành đưa chỉ tiêu tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện sử dụng đến đất rừng tự nhiên. Bộ Công thương cũng đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án thủy điện, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang ở các lưu vực sông.

Bên cạnh đó, 213 điểm tiềm năng cho phát triển thủy điện cũng được đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện theo yêu cầu của Quốc hội. Mới đây, Nhà máy thủy điện Thượng Nhật bị thu hồi giấy phép chỉ vì chưa tuân thủ các quy trình, quy định về bảo đảm an toàn hồ đập, phòng chống bão lũ cho thấy, việc triển khai thực hiện các dự án thủy điện, trong đó có thủy điện nhỏ đã từng bước được chúng ta tính toán thận trọng và xử lý vi phạm kiên quyết hơn.

Để phòng ngừa rủi ro do thủy điện nhỏ mang lại, Bộ Công thương cũng yêu cầu các địa phương chưa xem xét, nghiên cứu để đề xuất bổ sung vào quy hoạch đối với các dự án thủy điện có công suất nhỏ hơn 10MW. Chỉ triển khai dự án thủy điện sau khi có kết quả đánh giá bảo đảm không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn đến dân cư, không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế. Đây là yêu cầu rất cần thiết để siết lại việc thực hiện các dự án thủy điện nói chung và thủy điện nhỏ nói riêng.

Điều quan trọng là, các cơ quan có thẩm quyền, các địa phương và các chủ đầu tư phải tuân thủ nghiêm các quy định khi triển khai thực hiện các dự án thủy điện, phải nói “không” với dự án thủy điện nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Đừng để tính mạng con người bị đe dọa chỉ vì sự buông lỏng của cơ quan quản lý, hay chỉ vì lợi ích của doanh nghiệp.

Hà An