Siết chặt quy trình kiểm soát

- Thứ Bảy, 17/07/2021, 06:08 - Chia sẻ
Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng sử dụng sai mục đích căn hộ chung cư, nhằm xây dựng và bảo đảm một môi trường sống an toàn, bền vững cho các cư dân và bảo đảm sự chuyên nghiệp cho hoạt động các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần nhiều giải pháp khác nhau với sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan như siết chặt quy trình kiểm soát, tăng chế tài xử phạt…
Nan giải văn phòng “núp bóng" căn hộ chung cư
Nguồn: ITN

“Núp bóng căn hộ chung cư

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, năm 2020, cả nước đã hoàn thành 288 dự án với trên 57.000 căn hộ nhà ở thương mại và  256 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị với 104.200 căn hộ có tổng diện tích 5,2 triệu mét vuông. Quý I.2021, thị trường chung cư của Hà Nội có khoảng 1.300 căn hộ mới và dự kiến thị trường có thêm khoảng 23.000 căn vào cuối năm nay. Dù nguồn cung căn hộ chung cư liên tục tăng, nhưng nhu cầu sử dụng thực tế thấp. Trong khi đó, giá cho thuê căn hộ chung cư rẻ hơn giá thuê văn phòng đã khiến nhiều cá nhân, tổ chức thuê căn hộ chung cư phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sai với chức năng thiết kế vốn có.

Đơn cử, trên địa bàn TP. Hà Nội, tình trạng chủ sở hữu tận dụng các căn hộ của mình hoặc cho thuê để làm văn phòng, nơi giao dịch, tổ chức các lớp học thêm, lớp học nghệ thuật, thậm chí là các spa, cửa hàng gội đầu, làm móng xuất hiện ở hầu khắp các phân khúc chung cư, từ các chung cư xã hội như tòa HH Linh Đàm, chung cư CT2 Xuân Mai Tô Hiệu, quận Hà Đông; đến các chung cư cao cấp như chung cư Huyndai, Imperial Minh Khai, Meco Complex Trường Chinh, An Bình City… Những dịch vụ này còn được đăng, quảng cáo công khai trong các group cư dân của các tòa nhà để thu hút khách. Không chỉ TP. Hà Nội, thực trạng này cũng diễn ra tại nhiều thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Theo Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng, các căn hộ chung cư được thiết kế với mục đích để ở với các tiêu chuẩn về thiết bị điện, thang máy, phòng cháy chữa cháy phù hợp. Khi các căn hộ chung cư bị sử dụng sai mục đích, nhất là bị biến thành văn phòng, siêu thị mini, hoặc bị biến thành nhà kho, có thể gây ra những hệ quả không thể lường trước. Điều này, không chỉ gây áp lực lên cơ sở hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về cháy nổ, mất an ninh an toàn của các khu dân cư và mà còn phá vỡ quy hoạch của các đô thị.

Việc các doanh nghiệp không tuân thủ quy định của pháp luật, thậm chí luôn tìm cách để “lách” luật đã khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát. Để ngăn chặn và hạn chế tình trạng sử dụng sai mục đích căn hộ chung cư, giúp xây dựng và bảo đảm một môi trường sống an toàn, bền vững cho các cư dân và bảo đảm sự chuyên nghiệp cho hoạt động các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng cần nhiều giải pháp khác nhau, đòi hỏi sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan.

Tránh "nể nang"

Nhằm mục đích bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân sinh sống tại các chung cư, Khoản 11, Điều 6 Luật Nhà ở đã nghiêm cấm “sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở”. Khoản 2, Điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Tuy nhiên, thực trạng căn hộ được dùng làm văn phòng vẫn diễn ra. Giám đốc Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự Bùi Thanh Hưng cho rằng, hiện nay mức xử phạt chưa đủ răn đe, nhiều văn phòng thuê tại các chung cư đa phần là văn phòng chui. Nguyên nhân là do sự thiếu ý thức của các chủ doanh nghiệp, sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng và những bất cập trong các quy định của pháp luật.

Theo Chủ tịch Công ty Luật SBLAW Nguyễn Thanh Hà, các cơ quan chức năng cần tiến hành quản lý chặt chẽ, thường xuyên đối với hoạt động đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp đặt trụ sở chính ở đâu cần nộp kèm theo hồ sơ các giấy tờ chứng minh. Bên cạnh đó, cần quy định rõ nếu chủ căn hộ sai phạm cho thuê sẽ bị phạt mức nào và ai là người phạt, người có trách nhiệm giám sát việc xử phạt, chống tái phạm.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần thực hiện nghiêm túc, không cấp mới giấy phép đăng ký kinh doanh cho các công ty đặt trụ sở tại căn hộ chung cư; có biện pháp hậu kiểm sau khi cấp phép. Đặc biệt, khi nhận được phản ánh, báo cáo vi phạm, các cơ quan chức năng cần yêu cầu chấm dứt hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ và xử lý nghiêm chủ sở hữu, người thuê theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Ban Quản trị, Ban Quản lý các tòa nhà trong việc phát hiện những căn hộ chung cư sử dụng sai mục đích. 

Trong trường hợp có căn hộ sử dụng sai mục đích, Ban Quản trị tòa nhà cần tuyên truyền, nhắc nhở và thực thi những chế tài xử phạt trong phạm vi của Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư nhằm ngăn chặn vi phạm; đồng thời, thực hiện thống kê, báo cáo Thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng “nể nang”.

Hiểu Lam