Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên thảo luận.
Huy động lực lượng lớn tham gia
Trình bày Báo cáo kết quả giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Trưởng đoàn giám sát Thường trực Nguyễn Phú Cường cho biết, phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) giai đoạn 2016-2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội luôn chỉ đạo sát sao Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức triển khai thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành thời gian tại 4 Phiên họp để thảo luận, cho ý kiến, xác định mục tiêu, phạm vi, nội dung, phương pháp, kế hoạch, đề cương báo cáo và kết quả của từng thời điểm giám sát.
Đây là cuộc giám sát có quy mô rộng, nên đã huy động một lực lượng lớn tham gia. Khẳng định điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố đã tổ chức giám sát trực tiếp tại địa phương. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ và các Bộ quản lý chuyên ngành tổng hợp vừa có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP của cơ quan, đơn vị mình, đồng thời tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Nhiều chuyên gia có chuyên môn sâu đã tham gia vào các hoạt động của Đoàn giám sát. Các cơ quan truyền thông đã bám sát và phản ánh kịp thời các thông tin liên quan đến THTK,CLP và hoạt động của Đoàn giám sát đến cử tri.
“Kết quả hoạt động giám sát chuyên đề này bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP, ban hành kế hoạch, giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế theo kiến nghị của Đoàn giám sát”, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường nêu rõ.
Nhiều địa phương tiết giảm mạnh dự toán chi thường xuyên để tăng đầu tư phát triển
Đánh giá chung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về TKCLP, Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Cụ thể, quản lý, sử dụng NSNN, các nguồn vốn nhà nước khác có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả hơn; cơ cấu chi NSNN chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên theo đúng mục tiêu đề ra, nhưng vẫn bảo đảm kinh phí thực hiện các nhiệm vụ về an sinh xã hội, các lĩnh vực quan trọng. Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu cụ thể một số địa phương đã tiết giảm mạnh dự toán chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển, như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Phú Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc.
Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu rõ, nhiều bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về thẩm quyền, quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong mua sắm và sử dụng tài sản công. Việc xây dựng phương án và tiến hành sắp xếp lại, xử lý, chuyển giao cơ sở nhà đất, trụ sở các cơ quan bước đầu có kết quả đáng khích lệ.
Sắp xếp tinh gọn bộ máy, quản lý biên chế, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, là một thành tựu và kết quả nổi bật nhất giai đoạn 2016-2021. Cụ thể, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từng bước được đổi mới, sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm tầng nấc trung gian. Tính đến cuối năm 2021 đã giảm 13,85% số đơn vị sự nghiệp công lập; biên chế công chức giảm 10,01%; viên chức giảm 11,12% so với năm 2015, vượt mục tiêu đề ra.
Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, đất đai, khoáng sản được tăng cường, nguồn thu từ đất góp phần tăng thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Báo cáo cũng nêu rõ một số địa phương đã chú trọng, quyết liệt xử lý thu hồi được nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ (Ninh Bình: 725 dự án treo, diện tích 1.795 ha; Đồng Nai: 376 dự án, diện tích 3.875 ha; Quảng Ngãi đã chấm dứt hiệu lực thực hiện nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ đề xuất đầu tư 296 dự án; Bình Dương: 289 dự án, diện tích 2.283 ha; Kiên Giang: 206 dự án, diện tích 2.075 ha; Hậu Giang huỷ bỏ 141 dự án), yêu cầu đưa vào sử dụng gần 100 nghìn ha đất của các dự án chậm triển khai.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra được tăng cường và đạt nhiều kết quả rất quan trọng, tích cực. Nhiều vụ án kinh tế gây thất thoát nghiêm trọng vốn, tài sản nhà nước được xử lý nghiêm, thu hồi số vốn, tài sản nhà nước lớn; có tác dụng cảnh báo, răn đe, hạn chế các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước.
Kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện đầu tư công chưa nghiêm
Bên cạnh kết quả đạt được, Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Báo cáo kết quả giám sát về nội dung này nêu rõ 8 hạn chế:
Trong đó, việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện Chương trình THTK,CLP 5 năm và hằng năm của các cấp, các ngành được đánh giá “còn chậm”, “nhìn chung còn nặng về hình thức”. Báo cáo kết quả thực hiện chưa trọng tâm, trọng điểm; tổ chức triển khai, sơ kết, tổng kết đánh giá, nhân rộng mô hình tiên tiến còn nhiều hạn chế.
Công tác tham mưu, ban hành một số VBQPPL và quy chuẩn, tiêu chuẩn, đơn giá, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ, có trường hợp còn sơ hở, dẫn đến lãng phí, thất thoát. Chưa khắc phục triệt để tình trạng chậm, chưa đầy đủ, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết; đặc biệt chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc sửa đổi không đầy đủ một số văn bản có nội dung chồng chéo, chưa thống nhất, khó khăn trong quá trình thực hiện. Hệ thống chính sách thuế chậm được sửa đổi để đáp ứng thực tiễn và triển khai lộ trình cải cách.
Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa nghiêm. Cụ thể, giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm, nhiều lần trong năm. Công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập. Hàng nghìn dự án chậm tiến độ và có xu hướng tăng lên qua các năm. Hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư. Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí. Nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí.
Công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016-2020 được đánh giá thực hiện rất chậm, còn nhiều bất cập, khi chỉ đạt 30% kế hoạch. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. “ Cơ bản các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực dầu khí, điện, than, hóa chất chậm tiến độ nhiều năm,… rủi ro có thể gây thất thoát, lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến cân đối năng lượng nếu không có giải pháp xử lý kịp thời”, Báo cáo kết quả giám sát nêu rõ.
Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số bộ, ngành, địa phương không đúng quy định, chưa hiệu quả; sử dụng sai mục đích, lãng phí; sắp xếp chậm, chưa xử lý dứt điểm tình trạng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài nhiều năm. Nhiều nhà, căn hộ tái định cư chưa đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bỏ hoang, đang xuống cấp nghiêm trọng.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch cũng được Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá còn nhiều hạn chế. Thể hiện qua, các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, 5/6 quy hoạch vùng, hầu hết quy hoạch cấp tỉnh đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến. Tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp. Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án, nhất là các khu đô thị còn lớn và kéo dài, có dự án kéo dài hàng chục năm. Quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn nhiều tồn tại, bất cập, sử dụng không hiệu quả và tiềm ẩn thất thoát lớn nguồn thu NSNN. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai còn hạn chế. Quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước chưa thật sự bền vững và hiệu quả, còn tình trạng khai thác quá mức, ảnh hưởng lớn đến yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính chưa đạt yêu cầu đề ra. Cơ cấu tổ chức bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ và một số chính quyền địa phương còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chồng chéo, chưa hợp lý trong chức năng, nhiệm vụ.
Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước phát hiện qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao. Nhiều vụ việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kéo dài nhiều năm, gây thất thoát, lãng phí, ách tắc, cản trở việc đưa các nguồn lực, tài nguyên vào khai thác, sử dụng hiệu quả.
Đưa ra nhiều kiến nghị với thời hạn thực hiện cụ thể
Để nâng cao hiệu quả công tác THTK,CLP trong thời gian tới, Đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra 5 kiến nghị chung.
Thứ nhất, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, cả khu vực công cũng như khu vực tư để THTK,CLP thực sự làm một quốc sách hàng đầu.
Thứ hai, tăng cường, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực của đất nước để phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP. Xử lý nghiêm minh, kịp thời trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong công tác THTK,CLP.
Thứ ba, từ năm 2023, Quốc hội phát động trong toàn quốc cuộc vận động về THTK,CLP; Chính phủ tổ chức phong trào thi đua về THTK,CLP trong sản xuất, tiêu dùng ở mọi cấp, mọi ngành và trong nhân dân với chủ đề, nội dung, hình thức thiết thực, hiệu quả.
Thứ tư, đổi mới việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện và báo cáo việc thực hiện chương trình THTK,CLP 5 năm và hằng năm, theo hướng vừa đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có chủ đề từng năm.
Thứ năm, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến THTK,CLP bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2023, thường xuyên đánh giá hiệu quả và chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh các bất cập, mâu thuẫn nhằm hạn chế thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chú trọng xây dựng chính sách quốc gia về THTK,CLP trong từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực then chốt như tiết kiệm năng lượng; quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản.
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Công an.
Trong đó, đối với Chính phủ, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, trong năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023 thực hiện hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP; làm rõ các vi phạm, thất thoát, lãng phí phát hiện đến thời điểm báo cáo của từng Bộ, ngành, địa phương. Làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm giải trình của người đứng đầu có liên quan và thực hiện các giải pháp khắc phục đối với 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước trong giai đoạn 2016-2021 có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 ha đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật; 79.670 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp đã có quyết định thu hồi nhưng chưa có phương án sử dụng; 305.043 ha đất các công ty nông, lâm nghiệp chưa có quyết định thu hồi và chưa có phương án sử dụng đất và các tồn tại, hạn chế khác nêu trong Báo cáo số 330/BC-ĐGS ngày 11.10.2022 của Đoàn giám sát.
Đồng thời, trong hai năm này, tiến hành phân loại để xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý các tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí, trước mắt là 52 dự án, cụm dự án đầu tư công và sử dụng vốn nhà nước khác không hiệu quả (Phụ lục số 1 kèm theo dự thảo Nghị quyết); 21 dự án, chuỗi dự án trọng điểm lĩnh vực dầu khí, điện, than chậm tiến độ (Phụ lục số 2 kèm theo dự thảo Nghị quyết); 18 dự án đất đai hoang hóa, lãng phí, có khó khăn vướng mắc (Phụ lục số 3 kèm theo dự thảo Nghị quyết) và 908 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng (Phụ lục số 4 kèm theo dự thảo Nghị quyết).
Đoàn giám sát cũng yêu cầu cụ thể: Báo cáo Quốc hội kết quả rà soát, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và việc xử lý các tồn tại, hạn chế này tại Kỳ họp thứ Sáu.