Siết chặt kỷ cương lập pháp

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:19 - Chia sẻ
Trước tình trạng xin bổ sung, lùi, rút dự án luật khỏi chương trình lập pháp hàng năm của Quốc hội vẫn chưa được khắc phục triệt để, các đại biểu Quốc hội yêu cầu, Chính phủ phải siết chặt kỷ cương lập pháp, tuyệt đối bảo đảm lộ trình xây dựng luật mà Quốc hội đề ra, nếu không giữ được lộ trình đó thì phải giải trình tường minh trước Quốc hội.

Tránh lợi ích nhóm, tư duy cục bộ

Hầu hết các dự luật được Quốc hội xem xét, thông qua trong nhiệm kỳ Khóa XIV đều do Chính phủ trình. Theo các đại biểu Quốc hội, Chính phủ đã rất sâu sát, kịp thời nắm bắt nhu cầu pháp lý của xã hội, căn cứ vào tình hình thực tiễn để chủ động ban hành các quy định pháp luật cũng như trình Quốc hội ban hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang)

Nguồn: ITN 

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ Mười một vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự không hài lòng trước tình trạng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội bị điều chỉnh nhiều lần, việc xin bổ sung, xin lùi, xin rút dự án luật vẫn chưa được khắc phục triệt để. Chất lượng một số hồ sơ dự án, dự thảo luật chưa đạt yêu cầu. Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang), tồn tại này không phải mới xảy ra trong nhiệm kỳ này mà đã diễn ra ở các nhiệm kỳ trước nhưng đến nay vẫn không giảm. Đáng lưu ý, việc phân tích nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan tham mưu, của người đứng đầu trong trình dự án luật chưa được làm rõ.

Việc xin lùi, xin rút dự án luật ra khỏi chương trình thường được lấy lý do là chuẩn bị không kịp, do nội dung chưa đạt yêu cầu, mà chưa phân tích tính cấp bách của pháp luật. Chính vì vậy, nhiều lĩnh vực trong quản lý nhà nước còn gặp khó khăn khi cơ sở pháp lý chưa rõ ràng, còn chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí có nội dung pháp luật chưa được điều chỉnh. Để khắc phục tình trạng này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đề nghị, cần có một quy trình minh bạch hơn để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự luật. Cần chấn chỉnh tình trạng có dự thảo luật khi trình Quốc hội vẫn còn quá nhiều thiếu sót, gây bức xúc trong xã hội. Thời gian gửi dự thảo đến các đại biểu Quốc hội cần theo đúng thời gian quy định. Các dự luật sửa đổi cần nhấn mạnh những điểm mới, so sánh với luật cũ, đánh giá tác động rõ ràng, tường minh, tránh lợi ích nhóm, tránh tư duy địa phương, cục bộ.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng nhấn mạnh “lộ trình xây dựng pháp luật mà Quốc hội đề ra cần tuyệt đối bảo đảm. Nếu không giữ được lộ trình đó thì phải giải trình tường minh trước Quốc hội”, tránh để tình trạng có những dự luật bị đề xuất đưa ra khỏi chương trình vào phút chót. 

Sớm sửa đổi Luật Đất đai

Đó là mong muốn, cũng là yêu cầu được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra đối với Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới. Bởi đây là đạo luật có tác động rất lớn đến quyền sử dụng tài sản, đất đai của người dân, cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn khi một số quy định của luật hiện hành chưa rõ ràng. Hiện nay, 70% khiếu nại của người dân có liên quan đến đất đai, trong khi kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên đất đai, công sản, đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn bị buông lỏng ở một số nơi, thậm chí có nơi vi phạm pháp luật nghiêm trọng xảy ra một cách có hệ thống.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu rõ, nhận thấy những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai, Chính phủ đã trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Song, Chính phủ đã liên tục đề nghị lùi thời điểm trình dự án luật này và cho tới hết nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV vẫn chưa trình được dự thảo luật.

Bên cạnh những bất cập của Luật Đất đai, việc không thực thi nghiêm túc các quy định của luật này và một số luật liên quan cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm của một số cán bộ có trách nhiệm và của tổ chức, cá nhân khác. Theo ý kiến của cử tri, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn thiếu minh bạch. Ở các nước thì bản đồ địa chính đã công khai từ lâu, dân đến cơ quan nộp lệ phí là xem được, giờ có công nghệ thông tin phát triển thì làm còn thuận tiện hơn nhiều. Nhưng chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định tại Điều 28, Luật Đất đai về công khai thông tin. Điều này, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, đã dẫn đến đủ thứ rủi ro, mà thiệt nhất chính là người dân.

Dẫn chứng vụ Công ty Địa ốc Alibaba lừa đảo bán dự án ma gây ầm ĩ trên phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy phân tích, công ty này đã mua lại các khu đất có diện tích lớn cho người thân trong gia đình đứng tên để làm dự án. Bất chấp khu đất đó có mục đích sử dụng là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, đất rừng và nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang, Công ty Alibaba vẫn san ủi, xây dựng đường hạ tầng, vẽ dự án đất nền giới thiệu bán cho hàng nghìn khách hàng. Nếu hệ thống thông tin đất đai tốt, thì ai bán đất cho ai, dân chỉ cần lên hệ thống kiểm tra là rõ ngay về pháp lý. Việc thực thi pháp luật kém có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, HĐND nhưng trách nhiệm chính vẫn là của Chính phủ và UBND các cấp. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy mong muốn, Chính phủ nhiệm kỳ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết giải quyết tình trạng này.

Nhấn mạnh hai chữ “kỷ cương” đã luôn có trong phương châm hành động của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu rõ, tại trang 35, Báo cáo của Chính phủ cũng khẳng định "chấp hành nghiêm túc sự giám sát của Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật, triển khai kịp thời các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội", nhưng thực tế chưa như kỳ vọng. Chính phủ tới đây cần siết chặt kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ chưa có địa chỉ trách nhiệm nào, vẫn chỉ là “một số nơi”, “một số cá nhân”, dù rằng không ít lần tại các báo cáo thẩm tra các cơ quan của Quốc hội đã yêu cầu là phải nêu rõ địa chỉ, trách nhiệm. "Nếu cứ chung chung, trách nhiệm sẽ là của chung và hạn chế vẫn cứ tái diễn", bà Nguyễn Thị Kim Thúy khẳng định.

Ý Nhi