Nhật Bản: Cứu cánh cho nền kinh tế giảm phát
Vào tháng 11.2016, Chính phủ Việt Nam đã thống nhất nguyên tắc xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Mới đây, Bộ Chính trị đã chấp thuận chủ trương này và Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt áp dụng chung cho ba đơn vị trên đang được khẩn trương xây dựng để sớm trình Quốc hội. Nhìn ra thế giới, hàng chục năm qua, những mô hình đặc khu kinh tế (SEZ) đã và đang được nhiều quốc gia quan tâm xây dựng và phát triển thành công. |
Là một trong những cường quốc châu Á, đất nước mặt trời mọc rất chú trọng đến việc xây dựng và cải tổ các SEZ. Ngay từ năm 2013, Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe đã thống nhất đề xuất một dự luật thành lập các đặc khu kinh tế chiến lược. Đây được coi là một trong những trọng tâm chính sách với “Chiến lược Phục hồi Nhật Bản - Nhật Bản trở lại”. Dự luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực vào ngày 7.12 cùng năm. Tiếp đó, một loạt chính sách về đặc khu chiến lược quốc gia được Nội các Abe thông qua vào 25.2.2016. Bắt đầu từ 1.5.2014, 6 đặc khu đã được thiết kế và thành lập với 68 dự án đã được phê duyệt tại các khu vực thuộc Tokyo và Kansai; tỉnh Okinawa; TP Niigata, TP Fukuoka, TP Yabu ở tỉnh Hyogo. Mỗi đặc khu được phát triển theo thế mạnh riêng. Ví dụ đặc khu thành phố Niigata và đặc khu Yabu tập trung vào nông nghiệp; đặc khu Okinawa là đẩy mạnh du lịch do gần với Hàn Quốc và Trung Quốc; đặc khu thành phố Fukuoka có các dự án nới lỏng hạn chế thị thực với lao động nước ngoài, đây là bước đi quan trọng để giải quyết vấn đề già hóa dân số; các khu vực trong đặc khu Kansai có mối liên kết với ngành dược phẩm và thiết bị y tế… Một ủy ban mới của chính phủ cũng được thành lập để giải quyết các vấn đề liên quan đến các SEZ chiến lược nói trên.
Ý tưởng đằng sau các SEZ, trong tiếng Nhật gọi là các Tokku là để cắt đứt những nền tảng lợi ích được bảo đảm bất di bất dịch cũng như nạn quan liêu, vốn cản trở đổi mới trong quá khứ. Từ đó tạo ra các đột phá giúp thay đổi kinh tế, xã hội xứ sở Phù Tang - đang trong tình trạng giảm phát gần một phần tư thế kỷ nay.
Các quan chức Myanmar và Nhật Bản cắt băng khánh thành Đặc khu kinh tế Thilawa tại thị trấn Thanlyin bên ngoài Yangon |
Nguồn: Reuters |
Thái Lan: Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới
Có thể Singapore là quốc gia gặt hái nhiều thành công trong phát triển SEZ nhưng Thái Lan là một trong những quốc gia sớm nhất ở khu vực Đông Nam Á hoan nghênh mô hình trên. Năm 2014, Thái Lan bắt đầu thử nghiệm thành lập những SEZ mới tại các tỉnh biên giới với Myanmar, Campuchia, Lào, Malaysia. Mục tiêu là tạo ra một mạng lưới các SEZ nhằm thúc đẩy thương mại xuyên biên giới với các quốc gia láng giềng. Đây là một phần quan trọng trong các chính sách kinh tế vì Thái Lan kỳ vọng sẽ giúp tăng cường an ninh biên giới, giảm buôn lậu trong đó có cả nạn buôn người. Nước này đã thành lập Ủy ban chuyên về đầu tư gọi là BOI, chịu trách nhiệm đưa ra các sáng kiến SEZ mới. BOI đặt ra những chính sách ưu đãi thuế và các đặc quyền đầu tư khác có liên quan đến SEZ. Chẳng hạn, các nhà đầu tư đủ điều kiện được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 8 năm; Khấu trừ kép từ chi phí vận chuyển, điện và nước; Giảm 25% chi phí xây dựng cơ sở; Miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc, nguyên liệu đầu vào; Được phép sử dụng lao động không có tay nghề ở nước ngoài... Tuy nhiên, các đơn xin ưu đãi phải được nộp trước ngày 31.1.2017.
Những lĩnh vực kinh doanh được khuyến khích đầu tư tại các SEZ rất đa dạng, từ nông nghiệp, ngư nghiệp, gốm, dệt may, da giầy, trang sức đến đồ nội thất, thiết bị y tế, ô tô, đồ điện tử, nhựa, dược phẩm, du lịch… Mỗi đặc khu được phát triển thế mạnh theo vị trí địa lý. Ví dụ, đặc khu ở tỉnh phía nam Songkhla được lập kế hoạch trở thành trung tâm chế biến hải sản và cao su, đặc khu ở tỉnh Tak và Mukdahan vốn nằm dọc trên Hành lang Kinh tế Đông Tây sẽ tập trung phát triển dệt may và logistics (dịch vụ hậu cần)…
Myanmar: Lời cam kết về tự do hóa kinh tế
Cũng giống như Thái Lan, Myanmar muốn thu hút đầu tư nước ngoài thông qua các chính sách và sáng kiến luật pháp trong đó có việc thành lập các đặc khu kinh tế. Việc tập trung vào các SEZ cho phép Myanmar có cơ hội khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp có xu hướng xuất khẩu, giúp giải phóng các nhà đầu tư nước ngoài khỏi những thủ tục rối rắm hiện có…
Để tạo cơ hội đầu tư thuận lợi hơn Luật Đầu tư nước ngoài năm 2012, Luật Đặc khu Kinh tế đặc biệt của Myanmar có hiệu lực từ tháng Giêng năm 2014 đã giúp các nhà đầu tư có thêm nhiều ưu đãi tại 3 SEZ riêng. Đó là đặc khu Dawei, dự án với Thái Lan; Đặc khu Thilawa, dự án liên doanh với Nhật Bản ở gần Yangon và Đặc khu Kyaukphyu ở vùng Tây Bắc, hợp tác với Trung Quốc. Luật cũng giúp nước này thực hiện các cam kết trong nước và quốc tế về tự do hóa kinh tế, đặt ra các thủ tục hành chính thay thế để xem xét lại và phê duyệt các đơn xin đầu tư. Mỗi một đặc khu sẽ được thành lập một Ủy ban Quản lý đặc biệt. Và Cơ quan này chính là cửa ngõ liên hệ đầu tiên của các nhà đầu tư.
Các nhà đầu tư đủ điều kiện theo Luật Đặc khu Kinh tế đặc biệt được hưởng các ưu đãi như giảm thuế trung bình 50% trong 5 năm đầu hoạt động, và được hỗ trợ một phần dùng lợi nhuận xuất khẩu để tái đầu tư. Ngoài ra, một số hàng hóa xuất khẩu nhất định được sản xuất trong khu kinh tế đặc biệt có thể được miễn thuế hải quan trong 5 năm đầu hoạt động, với các khoản miễn giảm bổ sung có thể có trong năm thứ 6 đến năm thứ 10. Ngoài ra, họ có thể được miễn thuế nhập khẩu đối với việc nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị và một số hàng hóa có liên quan đến sản xuất, thậm chí lợi nhuận thu được từ việc bán hàng ra nước ngoài trong 5 năm đầu hoạt động cũng được giảm thuế. Các ưu đãi phi thuế khác có thể kể đến là các nhà đầu tư được bảo đảm thuê lâu dài lên tới 75 năm, lâu hơn cả quy định trong Luật Công ty của Myanmar. Họ cũng có quyền tự do chuyển lợi nhuận về nước và được bảo vệ không bị quốc hữu hóa…