Nghị viện thế giới

Senegal:Một Quốc hội phục vụ dân, vì dân và với dân

Đạt Quốc 21/07/2025 06:16

“Đối thoại, minh bạch, tiến bộ” - đó là dòng slogan nổi bật trên trang web của Quốc hội Senegal. Đúng với tôn chỉ mục đích hành động, Quốc hội Senegal đóng vai trò trung tâm trong việc xây dựng pháp luật, giám sát hoạt động của chính phủ, đại diện cho nguyện vọng của người dân và là trái tim của nền dân chủ.

Ảnh bài Senegal
Hình ảnh tòa nhà Quốc hội Senegal trên trang web của Quốc hội với dòng chữ "Một dân tộc, một tiếng nói, một tương lai"

Nguồn gốc và lịch sử hình thành

Năm 1958, Senegal đã thành lập Hội đồng Lập pháp đầu tiên. Khi đất nước giành độc lập vào ngày 4/4/1960, thể chế này được nâng lên thành Quốc hội với đầy đủ quyền lập pháp, do cử tri bầu cử trực tiếp.

Một mốc cải cách quan trọng là Hiến pháp năm 2001, đã tái cấu trúc toàn bộ hệ thống thể chế và xác lập chế độ bán tổng thống. Kể từ đó, Quốc hội trở thành một trụ cột quan trọng trong việc kiểm soát quyền lực và bảo vệ nguyên tắc phân quyền.

Cơ cấu và thành phần

Trải qua nhiều cải cách, Quốc hội Senegal hiện nay là cơ quan lập pháp đơn viện gồm 165 nghị sĩ, được bầu theo nhiệm kỳ 5 năm thông qua phổ thông đầu phiếu trực tiếp. Từ cuộc cải cách năm 2017, hệ thống bầu cử được thiết kế theo mô hình hỗn hợp, theo đó, 90 nghị sĩ được bầu theo danh sách toàn quốc bằng phương thức tỷ lệ, 60 nghị sĩ được bầu theo đầu phiếu đa số ở cấp địa phương (tỉnh, vùng), 15 nghị sĩ đại diện cho kiều bào Senegal ở nước ngoài. Cách phân bổ này phản ánh nỗ lực hài hòa giữa đại diện quốc gia, địa phương và cộng đồng kiều bào - lực lượng có đóng góp to lớn cho kinh tế và văn hóa Senegal.

Đứng đầu Quốc hội là Chủ tịch, được các nghị sĩ bầu ra. Đây là nhân vật quan trọng thứ hai trong hệ thống quyền lực nhà nước, chỉ sau Tổng thống Cộng hòa. Chủ tịch Quốc hội chủ trì các phiên họp toàn thể, đại diện Quốc hội trong các mối quan hệ đối ngoại và bảo đảm hoạt động của bộ máy lập pháp.

Mỗi năm, Quốc hội họp hai kỳ họp thường: Kỳ đầu tiên khai mạc vào tháng 10, tập trung vào ngân sách. Kỳ thứ hai bắt đầu từ tháng 4, dành cho các vấn đề lập pháp khác. Ngoài ra, kỳ họp bất thường có thể được triệu tập theo đề nghị của Tổng thống hoặc hơn một nửa số nghị sĩ.

Luật Bình đẳng giới và kỳ tích của phụ nữ trên chính trường

Một điểm độc đáo khiến Quốc hội Senegal được ca ngợi khắp châu Phi là tỷ lệ nữ nghị sĩ cao nhất toàn châu lục, chiếm đến 41,2% (68 nghị sĩ) sau cuộc bầu cử lập pháp năm 2024, giảm một chút so với tỷ lệ 44% trong cuộc bầu cử năm 2022. Điều này không đến từ may mắn, mà là kết quả của Luật Bình đẳng giới năm 2010, yêu cầu các danh sách ứng cử phải tuân thủ nguyên tắc “zipper”. Hệ thống “khóa kéo” này, còn được gọi là bình đẳng theo chiều dọc, yêu cầu các đảng phái chính trị phải luân phiên ứng cử viên nam và nữ trong danh sách đề cử. Mục tiêu của luật là đạt được tỷ lệ đại diện gần 50/50 giữa phụ nữ và nam giới trong các thể chế chính trị. Các đảng phái không tuân thủ luật có thể phải đối mặt với các hình phạt, chẳng hạn như bị hủy bỏ danh sách ứng cử viên.

Mặc dù phụ nữ đã giành được quyền ứng cử cấp quốc gia vào năm 1960 trong Hiến pháp đầu tiên, song chỉ với Luật Bình đẳng giới, phụ nữ Senegal mới bước vào chính trường bằng một cánh cửa rộng mở. Trong các phiên họp gần đây, nhiều nữ nghị sĩ đã dẫn dắt và thúc đẩy các cuộc tranh luận về quyền thai sản, luật chống cưỡng hiếp, bảo vệ trẻ em và cải cách hôn nhân.

Ngày càng hiện đại và gần dân

Senegal đang dần chứng minh rằng một nền dân chủ thực sự không thể thiếu sự tham gia của công dân và Quốc hội chính là cầu nối. Sáng kiến đáng chú ý gần đây là Dự án “Citizen Monitoring”. Với mục tiêu mang đến sự thấu hiểu của cử tri về Quốc hội, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các nghị sĩ; thúc đẩy đối thoại giữa nghị sĩ và người dân qua các nền tảng số, Dự án đã đưa ra các hoạt động cho phép cử tri có thể cập nhật thông tin thường xuyên về hoạt động của nghị viện qua website và ứng dụng di động; tổ chức các buổi đối thoại, họp báo, và phát sóng 18 chương trình radio để thúc đẩy minh bạch.

Ngoài ra, Quốc hội Senegal cũng duy trì hoạt động tiếp xúc cử tri thường xuyên, yêu cầu các nghị sĩ phải thường xuyên về địa phương để tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến và báo cáo công việc; tổ chức các buổi lấy ý kiến công dân, cho phép đại diện xã hội dân sự, từ các chuyên gia tới sinh viên, tham gia đóng góp ý kiến về các dự thảo luật đang được xem xét.

Chính nhờ sự tương tác này, Quốc hội Senegal không còn là hình ảnh xa lạ hay bí ẩn. Từ những nông dân ở Kaolack đến sinh viên ở Ziguinchor đều có thể thông qua đại diện của họ ở Quốc hội, để đưa ra những kiến nghị và đóng góp về chính sách, cũng như có thể giám sát hoạt động của chính những nghị sĩ mà họ bầu ra.

Quốc hội Senegal không chỉ là cơ quan làm luật mà còn là biểu tượng của nền dân chủ. Những chuyển động tích cực thời gian vừa qua, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ, giới trẻ và xã hội dân sự, cho thấy cơ quan này đang nỗ lực hướng tới là một cơ quan lập pháp hiện đại, gần dân, như đương kim Chủ tịch Quốc hội Malick Ndiaye khẳng định trên trang web của Quốc hội: “Tôi cam kết, trong nhiệm kỳ lãnh đạo này, tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện tiếp cho cử tri tiếp cận với hoạt động của Quốc hội và góp phần thay đổi tích cực nhận thức của người dân về Quốc hội - một Quốc hội phục vụ dân, vì dân và với dân".

    Nổi bật
        Mới nhất
        Senegal: Một Quốc hội phục vụ dân, vì dân và với dân
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO