Thời sự Quốc hội

Sẽ trình Quốc hội rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV

Minh Trang 04/05/2025 21:48

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội và nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND các cấp.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Tại họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Chín chiều nay, 4/5, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thuỷ đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về chủ trương rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và nhiệm kỳ 2021 - 2026 của HĐND các cấp.

p1.png
Quang cảnh buổi họp báo

Theo bà Nguyễn Phương Thủy, việc sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như trình Quốc hội xem xét việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại Phiên họp thứ 44.

"Việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đây cũng là vấn đề được đặt ra ở nhiều nhiệm kỳ trước".

Bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng kết thúc (thông thường vào tháng 1), công tác bầu cử được tiến hành vào tháng 5, tức là có 4 tháng tiến hành các công việc liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước.

phuong-thuy1.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại buổi họp báo

Tuy nhiên, thời gian 4 tháng là khá dài. Thực hiện yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy, hoàn thiện sớm về tổ chức nhân sự các cơ quan Nhà nước, gắn với yêu cầu kiện toàn nhân sự trong Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và nhất trí chủ trương báo cáo Quốc hội xem xét rút ngắn khoảng 3 tháng nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV và nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân lần tới được tiến hành gần nhất có thể sau khi hết thúc Đại hội Đảng toàn quốc.

"Việc này sẽ tạo thuận lợi hơn trong kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự các cơ quan Nhà nước". Với tinh thần đó, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đang được nghiên cứu sửa đổi theo hướng đơn giản hóa các khâu, các bước trong quá trình tiến hành bầu cử, rút ngắn thời gian thực hiện, bảo đảm công tác bầu cử tiến hành khẩn trương, thuận lợi nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ yêu cầu, bảo đảm quyền công dân về bầu cử và ứng cử.

Bảo đảm phân cấp, ủy quyền thực chất, hiệu quả nhất

Liên quan đến nội dung đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp khẳng định, đây là chủ trương rất lớn của Đảng và Nhà nước và đã được thực hiện trong suốt thời gian vừa qua.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, khi tiến hành sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Quốc hội thì những nội dung liên quan đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo ra những cơ chế linh hoạt để thực hiện phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp là một trong những ưu tiên hàng đầu.

db1.jpg
Các đại biểu tham dự buổi họp báo

Trong các luật được sửa đổi cũng đã thể hiện rõ tinh thần đẩy mạnh phân quyền cho địa phương, “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đồng thời, có nhiều cơ chế để bảo đảm việc phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và chính quyền địa phương cũng như giữa các cấp chính quyền địa phương được thực hiện một cách có hiệu quả nhất; bám sát kết quả tổng kết đánh giá việc thực hiện các cơ chế trong thời gian qua và các kiến nghị, đề xuất của địa phương.

"Đối với các luật được sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp thứ Chín, Quốc hội cũng sẽ tiếp tục thực hiện theo tinh thần này", bà Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.

Sửa đổi Hiến pháp - tạo nền tảng pháp lý cho chính quyền địa phương 2 cấp

Về việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, bà Nguyễn Phương Thủy cho biết, thực hiện Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Quốc hội đã chủ động phối hợp với Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy MTTQ và các đoàn thể Trung ương, các cơ quan, tổ chức liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi trong Hiến pháp năm 2013.

Kết quả nghiên cứu của Đảng ủy Quốc hội cùng các cơ quan đã được báo cáo với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cũng đã có những chỉ đạo rất cụ thể về nội dung này.

Dự kiến sửa đổi Hiến pháp tập trung vào các nội dung liên quan đến MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các quy định tại Chương IX về chính quyền địa phương các cấp.

db2.jpg
Các đại biểu tham dự buổi họp báo

Với phạm vi nội dung dự kiến nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội cho phép ban hành Nghị quyết của Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Số điều của Hiến pháp có khả năng được sửa đổi, bổ sung đến hiện tại dự kiến là 8 điều. Ngay tại phiên khai mạc Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ đề xuất Quốc hội xem xét quyết định thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Theo quy định tại Điều 120 của Hiến pháp năm 2013, dự thảo Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ được công bố để lấy ý kiến toàn dân.

Dự kiến nội dung này sẽ được thực hiện rất sớm (theo kế hoạch là từ ngày 6/5 và kéo dài trong khoảng 1 tháng).

"Sau đó, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của nhân dân, ý kiến ĐBQH tại Kỳ họp thứ Chín để báo cáo Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết về sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 chậm nhất trước ngày 26/6, làm cơ sở pháp lý để Quốc hội thông qua các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp", bà Nguyễn Phương Thủy thông tin.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sẽ trình Quốc hội rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO