Sẽ trình Chính phủ quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào tháng 12

- Thứ Hai, 23/11/2020, 21:10 - Chia sẻ
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tại cuộc họp báo về Hội nghị báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 23.11

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê-Kông, là một trong những đồng bằng trù phú, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, với dân số toàn vùng khoảng 17,3 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số cả nước) và diện tích là 40,5 ngàn km2 (chiếm 12% diện tích cả nước). ĐBSCL là vùng có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông, ngòi – kênh, rạch, đất, nước, môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan và các yếu tố kinh tế - xã hội như phong tục, tập quán, sinh kế, truyền thống canh tác, mùa vụ, tạo thành một mối tổng hòa và liên kết rất chặt chẽ với nhau.

Thời gian qua, ĐBSCL đã từng bước hình thành khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung với quy mô ngày một dần lớn, trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, có thể nói chưa bao giờ ĐBSCL lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay bao gồm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nước biển dâng cũng như những áp lực về phát triển kinh tế- xã hội…

Toàn cảnh buổi họp báo

Nhận rõ thách thức trên, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…Thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14, Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17.11. 2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31.7.2020. Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Tư vấn tiến hành phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện, nguồn lực, bối cảnh phát triển, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL, xây dựng quan điểm, mục tiêu và các định hướng ưu tiên phát triển Vùng. Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc lập quy hoạch vùng ĐBSCL là một yêu cầu cấp thiết. Cho đến nay, cơ bản bản dự thảo quy hoạch vùng đã hoàn thiện, nhưng điều quan trọng nhất là phải đảm bảo sự đồng thuận cao nhất từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận của 13 địa phương trong vùng. Các ý kiến của lãnh đạo địa phương sẽ là cứ quan trọng để Bộ và cơ quan tư vấn tiếp thu cập nhật hoàn chỉnh dự thảo trước khi trình Chính phủ.

Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định và phê duyệt trong tháng 12.2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Hội nghị Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 26.11.2020 tại Cần Thơ.

Hạnh Nhung