Sẽ tiếp nhận, giám sát việc thực hiện lời hứa

- Thứ Ba, 12/10/2021, 08:12 - Chia sẻ
“Ủy ban MTTQ hai cấp sẽ tiếp nhận tất cả chương trình hành động của các đại biểu dân cử, sao gửi về địa phương nơi đại biểu được bầu để cử tri, Nhân dân và Ban công tác Mặt trận theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa của đại biểu. Đồng thời, đồng hành giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri” - Đó là khẳng định của đại diện Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh tại hội nghị giao ban chuyên đề nâng cao chất lượng hoạt động TXCT của đại biểu dân cử trên địa bàn vừa được tổ chức.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Việc tổ chức những hội nghị giao ban chuyên đề như thế này là cách làm sáng tạo. Ở đó, nhiều ý kiến có chất lượng đã “hiến kế” nâng cao hiệu quả hoạt động TXCT của đại biểu HĐND hai cấp ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Hội nghị giao ban chuyên đề nâng cao chất lượng hoạt động TXCT của đại biểu dân cử thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Hội nghị giao ban chuyên đề nâng cao chất lượng hoạt động TXCT của đại biểu dân cử thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh

Không thiếu "kênh" để đại biểu đến với dân

Chủ đề tham luận chủ yếu của hội nghị chính là hình thức tổ chức TXCT hiện nay. Để có hình thức TXCT phù hợp ngay từ đầu nhiệm kỳ, hầu hết ý kiến cho rằng việc đầu tiên là HĐND các cấp cấp tổ chức ngay tập huấn, quán triệt Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Tiếp công dân và các kỹ năng cần thiết cho đại biểu HĐND, nhất là trong liên hệ với cử tri, giúp đại biểu có thể áp dụng TXCT bằng các hình thức linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Ngoài TXCT theo kế hoạch trước và sau kỳ họp, Thường trực HĐND cần định hướng cho đại biểu TXCT theo hình thức khảo sát thực tế. Tức là, trên cơ sở ý kiến, phản ánh của cử tri, cá nhân đại biểu đi khảo sát cụ thể, gặp gỡ riêng với cử tri để làm rõ vấn đề, hoặc thông qua đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND, có thể tổ chức TXCT chuyên đề, khảo sát thực tế và tham vấn ý kiến cử tri, Nhân dân. Một hình thức nữa là thông qua hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND tại nơi đại biểu ứng cử. Tổ chức cho đại biểu HĐND tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân theo Luật định. Ngoài ra, định hướng cho đại biểu có thể TXCT gián tiếp qua điện thoại, thư điện tử và mạng xã hội... Với sự phát triển của hệ thống thông tin liên lạc, công nghệ thông tin như hiện nay, không thiếu "kênh" để đại biểu đến với dân.

Từ những hạn chế trong hình thức TXCT hiện nay, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Đặng Minh Khang cho rằng: Cần tổ chức TXCT theo chuyên đề, thậm chí là theo “điểm nóng”. Theo đó, lựa chọn những vấn đề lớn cử tri và Nhân dân quan tâm, bức xúc, ý kiến nhiều tại các địa phương đưa ra làm chuyên đề, như: Đất đai, chế độ chính sách... Kết đối thoại với cử tri trong TXCT thì sẽ giảm được đơn thư, phản ánh. Mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri sẽ càng bền chặt.

Bên cạnh hình thức tiếp xúc thì thời gian, địa điểm, cách thức tổ chức được nhiều cử tri và đại biểu quan tâm. “Tổ chức theo giờ hành chính chủ yếu chỉ có đại cử tri, một số cử tri hưu trí, còn vận động được đông đảo các thành phần cử tri tham gia TXCT rất khó khăn. Thế nên, hầu hết các đợt TXCT chúng tôi tổ chức vào buổi tổi, chia theo các tổ dân phố, sau bữa cơm tối, cử tri tham gia đông hơn ban ngày rất nhiều, thành phần lại đầy đủ. Ý kiến cũng chất lượng và toàn diện hơn” - Đại biểu Trần Thị Lệ Hằng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh chia sẻ.

Chỉn chu, nghiêm túc và tôn trọng Nhân dân

Ngoài đề nghị Ủy ban MTTQ các cấp giám sát nghiêm túc việc thực hiện chương trình hành động của đại biểu, các cử tri và đại biểu đã “hiến kế” cho người đại diện của mình rất thẳng thắn, chân thành. Theo đó, Tổ trưởng (đối với cấp tỉnh, cấp huyện) và Thường trực HĐND cấp xã phải phân công đại diện là đại biểu HĐND cấp tổ chức TXCT đồng chủ trì hội nghị TXCT với UBMTTQ tại các điểm. Tổ trưởng có trách nhiệm phân công đại biểu báo cáo, giải trình tiếp thu tại các điểm. Đại biểu được phân công báo cáo phải nghiên cứu tài liệu do Văn phòng chuyển tới, biên soạn thành bài báo cáo ngắn gọn, phù hợp với tính chất, nội dung của cuộc TXCT để báo cáo với cử tri (thời gian báo cáo yêu cầu không quá 30 phút/điểm).

“TXCT mà báo cáo hàng tiếng đồng hồ ai nghe cho và thời gian đâu cho chúng tôi phát biểu tâm tư nữa” - cử tri bày tỏ. Tổ trưởng chịu trách nhiệm quán triệt đại biểu chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trách nhiệm TXCT, trang phục nghiêm túc. Có như thế mới có phong thái người đại diện, quan trọng nhất là thể hiện tính nghiêm túc, trang trọng của hoạt động TXCT.

Đồng hành giám sát

“MTTQ và các đoàn thể cũng sẽ giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, có số liệu cụ thể để báo cáo HĐND thị xã tại các kỳ họp thường lệ trong nội dung phát biểu xây dựng chính quyền” - Khẳng định của đại diện Ban Thường trực UBMTTQ thị xã được nhiều đại biểu và cử tri tâm đắc.

Thực tế hoạt động của MTTQ lâu nay vẫn nghiêng về nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân thông qua các phong trào, hoạt động xã hội từ thiện… Hoạt động giám sát và phản biện xã hội chưa được phát huy cao độ. Do đó, việc MTTQ đưa ra kiến nghị sẽ giám sát kết quả giải quyết kiến nghị cử tri, đồng thời lấy kết quả đó đưa vào nội dung đánh giá công tác xây dựng chính quyền tại các kỳ họp thường lệ của HĐND là cách làm hay nên nhân rộng, triển khai mạnh mẽ. Đây cũng là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động TXCT.