Đầu tuần tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn về một số vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, trong đó có công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Báo cáo của Bộ Tài chính, phục vụ phiên chất vấn, cho biết, trong năm 2022 và năm 2023, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bancassurance).
Các doanh nghiệp này có doanh thu phí bảo hiểm khai thác qua kênh bancassurance chiếm 96,83% tổng doanh thu phí khai thác qua kênh bancassurance của cả thị trường bảo hiểm nhân thọ.
Qua thanh tra, Bộ Tài chính phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance: Sai phạm về việc ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định Công ty và quy định pháp luật.
Bộ đã kiến nghị xử lý tài chính 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là 1.955,997 tỷ đồng. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 2 doanh nghiệp với số tiền 310 triệu đồng.
Cùng với đó, Bộ áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, đó là đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn.
Năm 2024, theo kế hoạch đã được phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong đó, sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH bảo hiểm Cathay Life Việt Nam.
Theo Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm tăng trưởng bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011 - 2020. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý đối với thị trường bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm.
Tính đến cuối năm 2023, các doanh nghiệp bảo hiểm đã đầu tư trở lại nền kinh tế với tổng số tiền ước đạt 762.580 tỷ đồng và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 86.376 tỷ đồng. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 913.308 tỷ đồng, tăng 11,12% so với năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, do phát triển nhanh, thời gian qua, thị trường bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, cũng như dịch vụ chăm sóc và giải quyết quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng.
Cùng với đó, nếu như trước đây, thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng.
"Phân phối bảo hiểm qua ngân hàng giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần chúng ta phải nhìn nhận lại và chấn chỉnh để hoạt động đúng hướng, lành mạnh", báo cáo của Bộ Tài chính cho biết.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều công văn yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng, nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.