Sẽ không nợ đọng!

- Thứ Tư, 03/03/2021, 06:43 - Chia sẻ

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hôm 26.2 về tình hình xây dựng, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và có hiệu lực trong thời gian tới; tình hình xây dựng, trình ban hành các đề án trong Chương trình công tác quý I.2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao, các bộ, cơ quan cho biết đang triển khai tích cực, quyết tâm hoàn thành 100%, không nợ đọng văn bản pháp luật của nhiệm kỳ Chính phủ 2016 - 2021.

Theo số liệu thống kê của Tổ công tác, về văn bản quy định chi tiết, đến thời điểm 31.12.2020, có 6 văn bản chi tiết nợ đọng. Lý do là bởi có các nghị định liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần đánh giá tác động nên Chính phủ phải cân nhắc, xem xét ban hành ở thời điểm thích hợp. Vì tiếp tục phát sinh nợ đọng mới nên đến ngày hết ngày 25.2.2021, còn 17 văn bản chi tiết nợ đọng. Theo đề nghị của Tổ Công tác thì các bộ, cơ quan phải ban hành các văn bản này trước ngày 20.3.2021.

Đối với Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong quý I.2021 có 89 đề án phải trình, trong đó có 21 đề án giao trong Nghị quyết 01. Đến ngày 25.2, các bộ, cơ quan đã trình 21/89 đề án, 68 đề án chưa trình, trong đó có 57 đề án trong hạn và 11 đề án nợ đọng, chiếm 12,3%. Đây là các đề án nợ đọng của năm 2020 chuyển sang tháng 1.2021, không có đề án nợ đọng giao tại Nghị quyết 01...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này gồm cả khách quan, chủ quan và đã nhiều lần được đề cập đến trong các buổi làm việc của Tổ Công tác. Như tại buổi làm việc hồi đầu năm 2020, nguyên nhân được cho là do có nhiều vấn đề mới, chưa có thực tiễn; có những vấn đề khó, nhạy cảm; do công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là khi trả lời các phiếu lấy ý kiến. Cặn kẽ hơn, đại diện Bộ Công an cho rằng, vướng mắc bao năm qua là trách nhiệm của các bộ, ngành chưa cao trong tham gia phối hợp xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành luật. Có trường hợp gọi điện hết chỗ này đến chỗ nọ để xin ý kiến góp ý, đến khi có ý kiến thì cũng rất "gọn": Đề nghị tổng kết thực tiễn, dự báo để văn bản phù hợp với thực tiễn. Như thế sẽ rất khó cho cơ quan chủ trì soạn thảo...

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Vậy nhưng thực tế, tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật vẫn phổ biến, dẫn đến chưa đáp ứng được công tác tổ chức thi hành pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; làm phát sinh thêm các văn bản phải tiếp tục ban hành, sửa đổi cũng như các vướng mắc khác trong thời gian chờ đợi. Đây là vấn đề cần nhanh chóng khắc phục nếu không sẽ dẫn đến hệ quả là làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, môi trường sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế luôn là ưu tiên hàng đầu và thời hạn để giải quyết số văn bản quy phạm pháp luật còn nợ đọng trong nhiệm kỳ này không còn nhiều. Do vậy, điều cần thiết là phải mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Không thể để khoảng trống pháp lý ngày càng rộng do tình trạng nợ đọng kéo dài năm này qua năm khác, nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Ninh Hà