Sẽ hết tắc khi hoàn thành theo quy hoạch!

- Thứ Sáu, 13/11/2020, 08:16 - Chia sẻ
Không lâu sau khi có thông tin khi đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở được đưa vào sử dụng, giao thông khu vực đường Trường Chinh, nhất là tại Ngã Tư Sở còn tắc nghiêm trọng hơn trước đây, một Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã trực tiếp đi khảo sát.

Cụ thể, chiều tối ngày 11.11, vị Phó Giám đốc này đã khảo sát bằng xe máy từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng. Theo đó, dọc tuyến, chưa có điểm đèn tín hiệu nào phải chờ đến nhịp đèn đỏ thứ hai. Di chuyển bằng xe máy trên trục đường này, người dân có thể lưu thông ổn định. Công trình này vẫn còn nhiều việc phải làm, tuy nhiên với hiện trạng điều kiện hạ tầng như hiện tại và mật độ giao thông vào giờ cao điểm, tôi cho rằng, những giải pháp tổ chức giao thông của liên ngành tại nút giao này tới thời điểm này là phù hợp. Và đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đưa vào khai thác mới chỉ là một đoạn tuyến của đường vành đai 2. Sau đoạn tuyến này, Hà Nội sẽ hoàn thành cả đường trên cao và dưới thấp từ Ngã Tư Sở đến cầu Vĩnh Tuy. Trong quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến Cầu Giấy. Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để ùn tắc giao thông. Trước mắt chúng ta phải chấp nhận điều tiết, điều chỉnh giao thông thường xuyên, theo từng thời điểm, khung giờ... - vị Phó Giám đốc khẳng định.

Đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở được đưa vào sử dụng kỳ vọng sẽ giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông tại nút vốn mệnh danh là "Ngã tư khổ" này. Vậy nhưng trên thực tế vẫn phải thừa nhận rằng chưa thể giải quyết được triệt để. Điều này có thể lý giải một cách đơn giản rằng, nếu đường trên cao, dù chỉ cho phép ô tô lưu thông càng thông thoáng bao nhiêu thì lượng phương tiện "đổ" về Ngã Tư Sở càng nhiều hơn bấy nhiêu. Khi đó, ngã tư này nay vô hình trung lại trở thành "nút cổ chai" do nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan nên tình trạng ùn tắc có trở nên phức tạp hơn cũng là điều dễ hiểu.

Và cũng bởi vậy mà chiều ngày 10.11 vừa qua, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị liên quan yêu cầu rà soát phương án thi công, tổ chức giao thông và có giải pháp hiệu quả. Tại cuộc họp này, đã có nhiều giải pháp được đưa ra như cử lực lượng túc trực thường xuyên để điều tiết, hướng dẫn giao thông trong giờ cao điểm; giám sát, tính toán lưu lượng phương tiện từ các ngã đường dẫn đến nút giao Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng để điều chỉnh thời gian phương tiện chờ đèn đỏ hợp lý...

Tuy vậy, còn một điều nữa cần đặc biệt lưu tâm đó là thiết kế điểm xuống của đường trên cao vành đai 2. Theo các chuyên gia, nên kéo dài thêm một đoạn đường trên cao theo phương án cầu vượt liên thông vượt nút Ngã Tư Sở, sau đó xây dựng 3 đường nhánh tiếp cận đường Láng, Tây Sơn và Nguyễn Trãi.

Quan điểm này cũng trùng với ý kiến của vị Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội là trong quy hoạch, tuyến đường vành đai 2 còn có hệ thống đường trên cao kéo dài đến Cầu Giấy. Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để ùn tắc, không còn tình trạng giữa thì thông, hai đầu thì tắc như thực tế đã diễn ra những ngày qua.

Linh Trang