Siết mua bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng

Sẽ hạn chế rủi ro?!

- Thứ Tư, 08/09/2021, 17:55 - Chia sẻ
Trước những lo ngại của các tổ chức tín dụng về việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung nhiều quy định siết chặt hơn nữa hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp, đại diện cơ quan này cho rằng, đây là điều cần thiết nhằm hạn chế các rủi ro phát sinh.
Ngân hàng Nhà nước sẽ siết quy định mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Nguồn ITN
Ngân hàng Nhà nước sẽ siết quy định mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng
Nguồn ITN

Chưa phù hợp, thiếu khả thi

Hiện, NHNN đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 22/2016/TT-NHNN ngày 30.6.2016 và Thông tư 15/2018/TT-NHNN ngày 18.6.2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22/1016/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp (gọi tắt là Dự thảo).

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, hai thông tư trên đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là tổ chức tín dụng). Sau nhiều năm áp dụng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng, việc ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là cần thiết. Điều này bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó đặc biệt là việc bổ sung nội dung quy định về hoạt động mua, bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức này đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch.

Tuy vậy, nhiều quy định mới siết chặt đang khiến các tổ chức tín dụng lo ngại. Đơn cử, theo Dự thảo, tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu và phải ban hành quy định nội bộ về mua, bán trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật liên quan.

Cũng theo Dự thảo, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp phát hành cam kết không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu”. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ tổ chức tín dụng, trừ trường hợp mua trái phiếu doanh nghiệp theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt…

Đáng lưu ý, đại diện các ngân hàng cho rằng, nhiều quy định siết chặt chưa phù hợp, thiếu khả thi. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Thành Long lấy dẫn chứng: Dự thảo quy định tổ chức tín dụng không được vay vốn của tổ chức tín dụng khác để mua trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật các tổ chức tín dụng không cấm hoạt động này, nên không có sơ sở để đưa ra điều cấm như trên.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có tổ chức tín dụng khác và thực hiện quản lý vốn tập trung. Nguồn vốn tập trung được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như đầu tư, cho vay, trả nợ đến hạn... và không tách riêng nguồn hình thành vốn khi sử dụng. Vì vậy, tổ chức tín dụng không có căn cứ để xác định nguồn vốn sử dụng để mua trái phiếu doanh nghiệp được hình thành từ nguồn nào, cần bỏ nội dung này.

Quy định tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp phát hành cam kết không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian tổ chức tín dụng nắm giữ trái phiếu cũng không phù hợp. Bởi nếu tổ chức tín dụng đầu tư trái phiếu sơ cấp thì cũng chỉ là một trong những người sở hữu trái phiếu, do đó không thể đặt ra yêu cầu là tổ chức phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian tổ chức nắm giữ trái phiếu, như vậy tạo ra sự bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư với nhau, làm thay đổi tính chất trái phiếu cùng một đợt là ngang bằng nhau về quyền lợi…

Nên xác định rủi ro của từng loại trái phiếu để có quy định phù hợp. Nguồn ITN
Nên xác định rủi ro của từng loại trái phiếu để có quy định phù hợp
Nguồn ITN

Xác định rủi ro từng loại trái phiếu doanh nghiệp

Trước những lo ngại của đại diện các tổ chức tín dụng, tại tọa đàm trực tuyến góp ý Dự thảo do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức mới đây, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN Phạm Chí Quang chia sẻ nhưng ông cũng chỉ rõ, tổng dư nợ tín dụng đã lên hơn 9 triệu tỷ đồng, khoảng 145% GDP. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ số đòn bẩy tài chính lớn nhất trong nhóm các nước đang phát triển, như vậy rủi ro tín dụng cũng rất lớn.

Thêm vào đó, hơn 50% dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng là trung dài hạn, trong khi huy động vốn chủ yếu là kỳ hạn ngắn, thậm chí nhiều ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn không kỳ hạn (CASA). Nhấn mạnh việc cải thiện, bảo đảm chất lượng nguồn vốn của hệ thống rất quan trọng, ông Quang cho rằng, với Dự thảo này, quan điểm của NHNN là coi hoạt động mua trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng thương mại cũng là hoạt động cấp tín dụng. Mặc dù các quy định trong Dự thảo có thể gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng song sẽ hạn chế được rủi ro phát sinh.

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng đề xuất,  trước khi ban hành chính thức, NHNN cần đặc biệt lắng nghe ý kiến từ cơ sở để bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống. Bởi trái phiếu doanh nghiệp rất đa dạng, có loại trái phiếu doanh nghiệp bảo đảm có loại không… Do vậy, cần xác định rủi ro của từng loại trái phiếu doanh nghiệp để có quy định phù hợp.

Minh Châu