Chuyên nghiệp và thân thiện
Thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu Chile khá nhanh. Đó là một ngôi nhà to bằng thép và tôn với kiến trúc hiện đại, chứa được cả những chiếc xe tải và xe khách lớn, nằm giữa hoang mạc, dưới chân dãy núi Andes. Lần lượt từng xe vào khu vực biên phòng để hành khách xuống xe, vào quầy thủ tục, đóng dấu hộ chiếu rồi trở lại xe. Tất cả rất chuyên nghiệp, thân thiện.
Qua cửa khẩu phía Chile, đi thêm khoảng 1km là đến cửa khẩu của Bolivia, cũng nằm giữa hoang mạc nhưng quy mô khiêm tốn hơn. Anh Osvaldo, hướng dẫn viên người Bolivia của công ty du lịch Carolina del Norte Tours niềm nở đón tiếp và hướng dẫn chúng tôi vào một phòng riêng để làm thủ tục theo đoàn, thay vì xếp hàng ở quầy thủ tục.
Tất cả diễn ra nhanh chóng vì giữa Việt Nam và Bolivia có hiệp định cấp thị thực tại cửa khẩu. Thị thực được dán vào hộ chiếu với những con số viết tay bằng mực không xóa. Phí thị thực được trả bằng tiền mặt. Thật lạ mắt khi thấy những chiếc xe đấu đuôi vào nhau ngay tại đường biên, vốn là một doi đất nhỏ, để sang mạn hành lý quá cảnh của chúng tôi.
Từ đây, chúng tôi được chia lên ba chiếc xe địa hình của hãng lữ hành Intiraymi. Xe nào cũng có giá nóc để những can xăng. Trong hành trình tiếp theo, chúng tôi mới hiểu là do di chuyển trên hoang mạc, không có đường xá, trạm xăng, trạm dừng nghỉ, nên việc mang theo nhiên liệu rất quan trọng.
Những hồ nước sắc màu ở độ cao hơn 4.000m
Độ cao tăng lên khá nhanh, từ khoảng 3.500m lên 4.000m rồi 4.500m nên ngay khi lên xe, anh Louis lái xe đã đưa cho chúng tôi vốc lá coca, mỗi người lấy vài lá, vò lại, ngậm trong miệng để giảm bớt chứng say độ cao. Trước đó, ở San Pedro de Atacama, chúng tôi đã mua sẵn trà coca để pha vào phích mang theo. Tuy nhiên, ai nấy đều cảm thấy nôn nao, khó thở, tim đập nhanh.
Ba chiếc xe nối đuôi nhau chạy, lúc dưới chân núi, lúc trong thung lũng, dọc theo những con suối cạn, cuốn theo những đám bụi lớn. Cảm giác xe chỉ chạy theo vệt xe trước, hoặc chạy ngang, chạy dọc hoàn toàn theo trí nhớ của lái xe và theo xe dẫn.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi chính là khi đoàn xe leo đến đỉnh đèo ở độ cao 5.000m. Đây là điểm cao nhất của chuyến đi. Ai nấy khá mệt mỏi vì đường dốc quanh co và chứng say độ cao nhưng cũng cố nhoài ra khỏi xe để chụp kiểu ảnh check-in trên nền dãy Andes.
Thật kỳ lạ là trên vùng núi cao tỉnh Sur Lipez vùng Potosi lại có nhiều hồ đến vậy. Trên tuyến Ruta de las JoyasAltoandinas ở độ cao khoảng 4.100m, chúng tôi thấy khá nhiều hồ nước khá rộng với sắc xanh, trắng, đỏ và hương vị khác nhau do các loại khoáng chất. Đó là các hồ Ramaditas, Chiar Kkota, Hedionda và Laguna Canapa de Canapa.
Chúng tôi nhiều lần dừng xe ngắm hồ nước và những đàn chim hồng hạc thong thả kiếm ăn để cảm nhận vẻ đẹp vô tận, không đâu có được của thiên nhiên nơi đây. Vắng vẻ, yên tĩnh đến kỳ lạ. Điều này cũng dễ hiểu khi mật độ dân số dân số ở đây chỉ 0,8 người/dặm vuông.
Trải nghiệm “khách sạn muối”
Đêm đầu tiên ở Bolivia, chúng tôi dừng chân tại nhà trọ nhỏ Tayka Del Desierto. Ngôi nhà được sơn, vẽ bằng nhiều màu sắc thiên nhiên như nâu, vàng, đỏ đặc trưng, nằm giữa trung tâm sa mạc Siloli. Vừa đặt chân tới khách sạn, chúng tôi được dặn phải tranh thủ tắm rửa, mở van lò sưởi nước để làm phòng ngủ ấm dần lên, tận dụng chạy điện mặt trời khi còn một chút ánh nắng; tới 10 giờ tối sẽ không có điện máy phát nữa. Thời tiết sa mạc thì các bạn biết rồi, chênh lệch nhiệt độ ban ngày và ban đêm có thể 10 - 15 độ C, đêm xuống nhiệt độ chỉ -3, -5 độ C.
Sáng hôm sau, chúng tôi lại rong ruổi trên sa mạc, tới Sol de Mañana, nơi có các nguồn địa nhiệt phun lên mặt đất lẫn bùn nóng thuộc Khu bảo tồn quốc gia Eduardo Avaroa Andean Fauna và tới khu có nhiều “cây đá”, vốn là những tảng đá lớn bị gió và cát bào mòn đứng lẻ loi trên sa mạc. Thật thú vị khi tới điểm dừng ăn trưa, chúng tôi gặp được đoàn khách du lịch Việt Nam đến từ TP. Hồ Chí Minh đi ngược chiều với chúng tôi từ Peru qua. Mọi người thăm hỏi nhau về cung đường sắp tới, chia sẻ cách vượt qua chứng say độ cao do thiếu ôxy. Ai nấy đều rám nắng nhưng vui vẻ, mạnh khỏe.
Hôm đó, chúng tôi khám phá một danh thắng huyền bí nhất của chuyến đi. Đó chính là cánh đồng muối Salar de Uyuni rộng hơn 10 nghìn km2, nằm ở tỉnh Daniel Campos, Tây - Nam Bolivia, ở độ cao 3.656m so với mực nước biển. Lớp muối ở đây dày tới vài mét, đặc biệt phẳng, như một tấm gương khổng lồ khi có nước. Người ta ước tính có tới 10 tỷ tấn muối và hàng năm Bolivia cho phép khai thác khoảng 25 nghìn tấn bằng cách cạo đi một lớp muối mỏng. Trên đồng muối, xe cộ đi lại chẳng theo tuyến đường cố định nào mà cứ chạy thẳng theo hướng cần tới.
Chiều hôm đó chúng tôi được đón hoàng hôn trên cánh đồng muối và nghỉ đêm tại khách sạn Luna Salada hay còn được gọi là “khách sạn muối”vì vừa nằm cạnh cánh đồng muối Uyuni, vừa được xây lên bằng những khối muối lớn. Sàn nhà cũng trải muối, còn bàn ăn được làm từ những tảng muối dày. Từ cửa sổ khách sạn, có thể phóng tầm mắt vào không gian bao la màu trắng kỳ ảo, trải dài tới tận chân trời của cánh đồng muối…
Bolivia còn rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác như Santa Cruz de la Sierra, Di sản thế giới Sucre vùng Chuquisaca hay Vườn quốc gia Madidi… mà rất tiếc chúng tôi không đủ thời gian, đành hẹn chuyến đi sau. Bolivia thực sự mang lại những trải nghiệm không thể quên với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, văn hóa bản địa đặc sắc, đa dạng và sự chu đáo, chuyên nghiệp đến hoàn hảo của người làm du lịch nơi đây.