Trong bối cảnh doanh thu hạ nhiệt, Garena Việt Nam gây bất ngờ khi báo lãi hơn 200 tỷ đồng, đây cũng là mức lãi kỷ lục trong suốt những năm hoạt động của doanh nghiệp game đình đám. Bởi lẽ, tính trong 10 năm gần đây lịch sử kinh doanh của Garena Việt Namcho thấy doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng như “vũ bão” nhưng lợi nhuận lại trái ngược.
Cụ thể, năm 2014 là thời điểm đánh dấu doanh thu của Garena vượt mốc 1.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần năm 2023, nhưng trong năm này Garena báo lỗ 16 tỷ đồng.
Đến năm 2019, doanh thu của Garena Việt Nam đã vọt lên mốc hơn 3.000 tỷ đồng tuy nhiên mức lãi mà doanh nghiệp này thông báo tới cơ quan chức năng chỉ ở mức 55 tỷ đồng, tương đương với tỷ suất sinh lời (ROS) chỉ ở mức 1,7%.
Những năm tiếp theo, doanh thu của Garena không có dấu hiệu chùn bước và gần chạm đến 7.000 tỷ đồng trong năm 2022 tăng thêm hơn 1.700 tỷ đồng so với năm 2020. Tuy nhiên, trong năm doanh thu kỷ lục, lợi nhuận thuần của Garena thậm chí còn giảm so với năm 2020.
Lợi nhuận mỏng khiến Garena Việt Nam đóng thuế rất ít. Năm 2022, dù doanh thu gần chạm 7.000 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp này chỉ đóng chưa đến 26 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Thậm chí, vào năm 2020, doanh thu hơn 3.000 tỷ nhưng doanh nghiệp chỉ đóng góp thuế ở mức hơn 15 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Huy Phong, chuyên gia tài chính, nhìn vào kết quả kinh doanh của Garena Việt Nam, tình trạng doanh thu và lợi nhuận chênh lệch "một trời một vực” cho thấy cần làm rõ hoạt động thu, chi để có thể minh bạch hoạt động về thuế.
Theo tìm hiểu, việc doanh thu “siêu khủng” của Garena Việt Nam có được nhờ thu hút lượng lớn người chơi game online, thu tiền thông qua bán các vật phẩm trong game, quảng cáo, tổ chức các sự kiện, giải đấu... Hiện cổng nạp thẻ cho các game thủ của Garena Việt Nam hiện tại đã liên kết và cho phép người dùng nạp tiền thông qua hàng loạt hình thức như: qua ví Shopeepay, thẻ Garena phát hành, thẻ nạp điện thoại của các nhà mạng, qua app ngân hàng qua iBanking hoặc qua thẻ Visa, Mastercard…
Garena là cái tên không hề xa lạ với cộng đồng người chơi. Đáng chú ý, trong những năm gần đây, Garena được cho đã “soán ngôi” của nhiều nhà phát hành Game gạo cội để giữ vị trí top đầu trong ngành Game Việt.
Một số tựa game cho Garena phát hành thu hút lượng lớn người dùng có thể kể đến như Liên minh huyền thoại, FiFa online 3, Free Fire, Liên quân mobile…
Theo dữ liệu về doanh nghiệp, Garena Việt Nam được thành lập từ tháng 6.2009 với tên gọi ban đầu là Công ty Cổ phần Garena Việt Nam (Garena Vietnam) nhưng hiện tại đã đổi tên thành Công ty cổ phần giải trí và Thể thao điện tử Việt Nam.
Danh sách cổ đông sáng lập của Garena gồm Lê Quang Trà; Mai Thanh Bình và Mai Thị Hoà. Tuy nhiên, cả ba cổ đông này đều đã chuyển nhượng.
Hiện tại, cơ cấu sở hữu Garena gồm: ông Mai Minh Huy sở hữu 69,5%, Cổ đông nước ngoài sở hữu 30% và ông Lê Minh Trí sở hữu 0,5%. Vốn điều lệ hiện tại của Garena đang ở mức 9 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật với chức danh Tổng Giám đốc đang là ông Vũ Chí Công.
Garena có ba công ty con là Công ty TNHH Dịch vụ phần mềm Hoà Thái; Công ty TNHH dịch vụ phần mềm Thiên Bình và Công ty TNHH dịch vụ phần mềm bình minh.