Sau kiểm tra, là gì?

Bình Khang 16/02/2022 06:08

Tiếp sau ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đối với công tác thi hành án hành chính, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch công tác thi hành án hành chính năm 2022. Điểm đáng chú ý của Kế hoạch này là Bộ Tư pháp sẽ trực tiếp kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính chậm thi hành.

Kế hoạch chỉ rõ, tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như: trực tiếp kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa thi hành, chậm thi hành, làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và pháp luật khác có liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện; đề xuất, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án hoặc không chấp hành án hành chính theo quy định.

Có thể thấy, liên quan đến vấn đề trên, tại nhiều văn bản cũng đã quy định rất rõ, cụ thể trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hành chính. Chẳng hạn, Nghị quyết số 55/2017/QH14, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo UBND, Chủ tịch UBND có liên quan thực hiện đúng quy định tại Điều 60, Luật Tố tụng hành chính, chấm dứt việc không chấp hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Hay, Điều 24, Nghị định 71/2016 quy định: hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án hành chính như: sau khi có quyết định buộc thi hành án hành chính mà vẫn không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và gây hậu quả rất nghiêm trọng nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật...

Hoặc, Điều 28, Nghị định 71/2016 cũng quy định: người nào có hành vi không thi hành án, không chấp hành án, cố ý cản trở việc thi hành án có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Ngoài trách nhiệm hành chính, hình sự, Nghị định này cũng quy định trách nhiệm vật chất theo quy định của Luật Bồi thường trách nhiệm của Nhà nước.

Quy định thì vậy, nhưng cho đến nay, chưa có cá nhân nào bị xử lý, mặc dù số lượng án hành chính chậm thi hành vẫn là điểm nghẽn của công tác theo dõi, tổ chức thi hành án hành chính trong thời gian qua. Theo báo cáo của UBND và Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy, đến hết ngày 30.9.2021, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong 455/944 bản án. Như vậy, vẫn còn 489 bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành xong (chiếm tỷ lệ 52%). Trong đó, còn nhiều bản án, người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và có những bản án tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm.

Có thể thấy, liên quan đến các cơ quan, người có thẩm quyền chậm thi hành án hành chính đã có những quy định đầy đủ. Vấn đề còn lại là thực hiện nó như thế nào trên thực tế chứ không phải là việc tiếp tục một quy trình khác gọi là "đề xuất, kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án hoặc không chấp hành án hành chính theo quy định". Hiện nay, mới chỉ dừng lại ở việc điểm danh các địa phương có số lượng án hành chính tồn đọng lớn, mà chưa áp dụng được các quy định nêu trên vào cơ quan, người có thẩm quyền cụ thể nào. 

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sau kiểm tra, là gì?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO