Sau chiến thắng là...

Huỳnh Vũ 02/03/2011 07:39

Sau khi kết quả sơ bộ cuộc tổng tuyển cử tại Ireland được công bố với phần thất bại thuộc về Đảng Fianna Fail cầm quyền, Đảng Fine Gael cùng Thủ tướng tương lai Enda Kenny đang hướng tới những bước đi đầu tiên trong nỗ lực thành lập một chính phủ mới ổn định và vững mạnh. Tuy nhiên, niềm vui thắng cử cũng song hành không ít thách thức đang chờ đón chính khách 59 tuổi này.

Tân Thủ tướng Ireland Enda Kenny phát biểu trước những người ủng hộ hôm 26.2 Nguồn: Reuters
Tân Thủ tướng Ireland Enda Kenny phát biểu trước những người ủng hộ hôm 26.2

Nguồn: Reuters

Trong số 154/166 ghế Hạ viện Ireland đã “có chủ”, Fine Gael kiểm soát 70 ghế, tiếp đến là Công đảng (36 ghế). Fianna Fail, chính đảng từng thống trị chính trường Ireland suốt 80 năm qua, đã thảm bại khi chỉ giành được 18 ghế. Đảng Xanh, từng là thành viên trong chính phủ liên hiệp của Fainna Fail, thậm chí còn không được ghế nào. Kết quả nghiêng về Fine Gael, được dự đoán trước do cử tri tức giận với những quyết sách của chính quyền của Thủ tương đương nhiệm Brian Cowen, bị cáo buộc là nguyên nhân khiến nền kinh tế từng một thời bùng nổ của Ireland sụp đổ và phải cầu viện tới các khoản cứu trợ từ nước ngoài. Kenny và đảng của ông đã đắc cử nhờ cam kết sẽ nhanh chóng hành động để trám những lỗ hổng trong gói cứu trợ không được lòng dân mà Liên minh châu âu (EU) và  Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cấp cho nước này. Tuy nhiên, theo giám đốc bầu cử Phil Hogan của Fine Gael, chính đảng này chỉ giành được 75 - 76 ghế tại Quốc hội, chưa đủ yêu cầu đa số tối thiểu 83 ghế tại Hạ viện 166 ghế để có thể tự đứng ra thành lập chính phủ. Điều này đồng nghĩa với việc ông Enda Kenny sẽ phải thương lượng với một số chính đảng nhỏ hơn để thành lập liên minh cầm quyền, trong đó có Công đảng. Chính khách 59 tuổi này khẳng định sẽ không thể lãng phí thời gian thêm nữa và một chính phủ ổn định và mạnh của Irealand có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường quốc tế.

Mặc dù Fine Gael đã nhận được hứa hẹn của Công đảng theo đường lối trung hữu về chính phủ liên hiệp, song để có được sự thống nhất giữa các chính đảng trong đường lối lãnh đạo đất nước không phải là dễ dàng. Thêm vào đó là sự phân chia các ghế trong nội các. Trước đó, Thủ lĩnh Công đảng Eamon Gilmore tuyên bố chính đảng này sẵn sàng tham gia liên minh cầm quyền, cho rằng đây có thể là liên minh hợp lý nhất vào thời điểm hiện nay để thành lập chính phủ dân tộc tại  Ireland. Xét trên tình hình thực tế, đây không phải là thách thức lớn nhất đối với Fine Gael và Thủ tướng tương lai Kenny. Giới quan sát cho rằng gói cứu trợ của EU - IMF trị giá 85 tỷ euro (tương đương 115 tỷ USD) mà đa số người dân Ireland coi là một sự sỉ nhục mới là “chướng ngại vật” lớn nhất mà ông Kenny phải vượt qua. Trả lời phỏng vấn giới báo chí trước thềm bầu cử, chính khách này khẳng định “đây là một thỏa thuận tồi tệ đối với Ireland và châu âu” và cần phải xem xét lại các điều khoản về lãi suất, cải tổ ngân hàng… Trong khi đó, từ Brussels (Bỉ), Ủy ban châu âu đã công khai gây sức ép với chính phủ mới của Irealand (dù chưa được thành lập) rằng Dublin cần thực hiện các cam kết về giảm thâm hụt ngân sách và làm ngơ trước ý kiến tái thương lượng. Rõ ràng, trong vấn đề này, ông Kenny và chính phủ tương lai của Ireland đối mặt với sức ép cả từ trong nước cũng như bên ngoài.

Trước đó, việc Ireland trở thành nước thứ hai (sau Hy Lạp) ở châu âu phải uống liều thuốc đắng mang tên gói cứu trợ của EU kèm với những điều kiện ngặt nghèo đã khiến người dân nước này bất bình. Có hai lý do chính giải thích cho sự miễn cưỡng của Ireland đối với gói cứu trợ. Đó là vị thế của Ireland trên trường quốc tế sẽ suy yếu và cuộc khủng hoảng nợ của nước này hoàn toàn không giống với Hy Lạp, dù bề ngoài có vẻ chỉ là một. Các nhà phân tích cho rằng, triển vọng của Ireland tốt hơn nhiều so với Hy Lạp. Trái với Atens, Dublin là nền kinh tế Anglo -Saxon có thị trường lao động linh hoạt hơn, là một trong những mô hình tốt về điều hành kinh tế trước khủng hoảng và kiểm soát tài chính công tốt hơn nhiều so với Hy Lạp. Ireland lại có tiềm năng xuất khẩu lớn, tạo điều kiện cho họ phục hồi nhanh. Từ những lập luận này, thị trường đang nghi ngờ tính bền vững của cơ chế cứu trợ, vì nó đang bị người dân ở những nước phải chi tiền cho quỹ cứu trợ phản đối. Ngoài ra, bản thân người dân nước được cứu trợ cũng không mặn mà vì các điều khoản đi kèm thường quá khắc nghiệt, đặt biệt là những yêu cầu cắt giảm chi tiêu ngân sách, thắt lưng buộc bụng gây ảnh hưởng tới mạng lưới an sinh xã hội.

Ngoài thách thức trên, chính phủ Ireland tương lai của ông Kenny sẽ phải đối mặt với các nhiệm vụ giảm tỷ lệ thất nghiệp thể hiện qua cam kết tạo thêm 100.000 việc làm mới trong 5 năm tới, cân bằng tài chính công, chủ yếu thông qua cắt giảm chi tiêu thay vì tăng thuế. Chính phủ mới cũng sẽ phải triển khai các chương trình cải cách ngành y tế và xóa bỏ 150 cơ quan công quyền làm việc không hiệu quả.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Sau chiến thắng là...
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO