Sau chiến sự Israel - Iran, cánh cửa ngoại giao Trung Đông liệu có mở?
Khi xung đột đang tạm lắng, liệu các nước có tận dụng được thời điểm này để mở ra lối đi ngoại giao, hay khu vực sẽ tiếp tục xoay vòng trong bất ổn?

Cuộc không kích của Mỹ vào các cơ sở hạt nhân của Iran cùng với chiến dịch quân sự của Israel trong tháng 6 vừa qua đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cục diện an ninh Trung Đông. Tuy nhiên, khi một lệnh ngừng bắn được áp đặt, dư âm xung đột đang tạm lắng, một câu hỏi mang tính chiến lược được đặt ra: Liệu sức mạnh quân sự có thể được chuyển hóa thành lợi ích ngoại giao lâu dài?
Những “dự báo” không xảy ra: Dấu hiệu của thay đổi chiến lược
Trong các cuộc khủng hoảng an ninh, điều không diễn ra đôi khi lại quan trọng hơn cả những gì đã xảy ra. Trước đây, giới phân tích từng lo ngại rằng một cuộc tấn công của Mỹ vào Iran có thể kéo theo một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông, với hàng nghìn thương vong và nguy cơ mất kiểm soát leo thang. Tuy nhiên, thực tế diễn ra sau chiến dịch không kích cho thấy một bức tranh khác.
Phản ứng của Iran khá hạn chế. Một cuộc tấn công tên lửa có báo trước nhằm vào căn cứ của Mỹ ở Qatar đã không gây thiệt hại đáng kể. Các lực lượng ủy nhiệm của Iran như Hezbollah tại Liban hay các nhóm dân quân thân Tehran ở Iraq cũng đều không hành động.
Đáng chú ý hơn, các quốc gia được cho là đồng minh chiến lược của Iran như Nga, Trung Quốc và Triều Tiên cũng không có động thái rõ ràng. Trung Quốc cảnh báo Iran không được cản trở lưu thông tại eo biển Hormuz, trong khi Nga đưa ra tuyên bố kêu gọi giảm leo thang.
Sức mạnh răn đe
Những diễn biến này diễn ra trong bối cảnh kể từ sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas, đảm bảo an ninh quốc gia của Israel đã bước vào một giai đoạn không thể đảo ngược. Chính quyền Tel Aviv khẳng định sẽ không dung thứ cho bất kỳ lực lượng vũ trang nào do Iran hậu thuẫn tồn tại gần biên giới và sẵn sàng tấn công thẳng vào lãnh thổ Iran nếu cần thiết.
Chiến dịch “12 ngày” của Israel nhằm vào Iran đã đạt được nhiều mục tiêu: Tiêu diệt các tướng lĩnh cấp cao của Iran, các nhà khoa học hạt nhân, phá hủy cơ sở sản xuất tên lửa và nhiều cơ sở hạt nhân quan trọng. Trong vòng chưa đầy hai tuần, Israel đã phô diễn năng lực tình báo và quân sự vượt trội - điều có thể tác động lâu dài đến cán cân quyền lực trong khu vực.
Cùng lúc đó, Mỹ cũng khẳng định vị thế quân sự toàn cầu khi các máy bay ném bom B-2 xuất phát từ lãnh thổ Mỹ đã thực hiện các đòn tấn công chính xác mà không cần căn cứ tại khu vực. Sức mạnh này, nếu đi kèm với sự sẵn sàng hành động có chọn lọc, có thể tạo ra hiệu ứng răn đe rộng khắp.
Mức độ ảnh hưởng đến chương trình hạt nhân Iran?
Nhiều đánh giá ban đầu cho rằng, chương trình hạt nhân của Iran đã chịu “tổn thất nghiêm trọng”. Tuy nhiên, mức độ thiệt hại cụ thể vẫn đang được giới tình báo phân tích, và quá trình này thường kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

Khác với việc tiêu diệt một thủ lĩnh khủng bố - nơi kết quả là “sống” hoặc “chết”, việc đánh giá chương trình hạt nhân là một quá trình khó khăn hơn với nhiều giả định. Ngay cả khi Iran còn sở hữu uranium đã làm giàu, chưa chắc nước này còn đủ máy ly tâm công suất cao để tiếp tục nâng cấp lên cấp độ vũ khí. Việc tái khởi động chương trình cũng cần thời gian, nguồn lực và sự che giấu - điều khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.
Vì vậy, các tuyên bố chính trị về việc “chương trình hạt nhân đã bị xóa sổ” hoặc “có thể phục hồi trong vài tháng” đều cần được đặt trong bối cảnh đánh giá khách quan, dựa trên phân tích kỹ thuật và thông tin tình báo tổng hợp.
Thời điểm cho ngoại giao
Theo các chuyên gia, tuy các hành động quân sự của Israel và Mỹ có thể đã làm chậm đáng kể tham vọng hạt nhân của Tehran, nhưng để đạt được sự ổn định chiến lược lâu dài, vẫn cần tới một giải pháp ngoại giao. Kịch bản khả thi là một thỏa thuận buộc Iran tuân thủ đầy đủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), đổi lại là việc dỡ bỏ từng phần các biện pháp trừng phạt và hỗ trợ nước này phát triển chương trình năng lượng hạt nhân dân sự.
Thời gian đang trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy điều này. Cơ chế tái áp đặt trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran sẽ hết hiệu lực vào tháng 10. Anh và Pháp đã phát tín hiệu sẵn sàng kích hoạt cơ chế này nếu Tehran từ chối đàm phán. Và vì vậy, Washington có thể tận dụng thời điểm này để thúc đẩy tiến trình ngoại giao cùng các đồng minh châu Âu.
Song song đó, các kênh hậu trường đang nỗ lực thúc đẩy đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, đổi lấy việc Hamas trả tự do cho một phần các con tin Israel. Tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán có thể đạt được thỏa thuận trong vòng một tuần. Dù cần thêm thời gian, triển vọng này đang trở nên rõ ràng hơn. Nếu đạt được, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ với tiến trình hòa bình Palestine - Israel mà còn với triển vọng mở rộng các hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Israel và thế giới Arab.
Tương lai bất định, nhưng có cơ hội
Trung Đông đang đứng trước một ngã rẽ: Hoặc Iran cố gắng phục hồi chương trình hạt nhân, hoặc khu vực bước vào giai đoạn ổn định mới với sự thúc đẩy của ngoại giao và hội nhập. Dù không thể loại trừ khả năng Tehran sẽ tìm cách tái vũ trang, tuy nhiên các yếu tố hiện tại, từ năng lực bị suy giảm đến áp lực quốc tế, khiến kịch bản này khó có thể xảy ra trong ngắn hạn.
Ngược lại, viễn cảnh tích cực hơn là Mỹ và Israel duy trì được ưu thế kiểm soát, đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và từng bước bình thường hóa quan hệ giữa Israel với các nước Arab. Tuy nhiên, điều này sẽ cần thời gian, sự kiên trì và một chiến lược ngoại giao bài bản, tương xứng với giai đoạn quân sự đã qua.
Một quan chức khu vực đã nhận định rằng “sự suy yếu của Iran tạo điều kiện cho một Trung Đông ổn định, thịnh vượng và an toàn hơn”. Câu hỏi đặt ra là liệu chính quyền Mỹ có sẵn sàng theo đuổi tầm nhìn đó bằng cam kết ngoại giao thực chất - quyết liệt như khi hành động quân sự hay không?
Thế giới nên kỳ vọng - và thúc đẩy - câu trả lời: Có.